AirVisual... đi đâu?
AirVisual là ứng dụng thống kê chỉ số chất lượng không khí của Mỹ (AQI). Ứng dụng này thời gian qua thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân Việt Nam, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, bởi vì mức độ ô nhiễm mà ứng dụng này cảnh báo đã đạt ngưỡng đáng báo động.
Tuy nhiên, từ tối 6/10, người dùng Việt Nam đã không còn có thể cài đặt ứng dụng kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí AirVisual trên smartphone được nữa. Khi tìm kiếm từ khoá AirVisual sẽ không hiển thị kết quả trên cả 2 kho ứng dụng Android và iOS.
Ngoài việc không tìm thấy ứng dụng, trang fanpage của AirVisual đang chặn các truy cập từ người dùng Việt. Khi dùng mạng riêng ảo (VPN) từ một quốc gia khác, việc truy cập vẫn diễn ra bình thường. Người dùng muốn truy cập sẽ phải đổi địa chỉ IP qua quốc gia khác bằng các ứng dụng VPN.
Chị Đặng Phương Hoa (Hải Phòng) cho biết: “Tôi đổi sim và thay đổi vùng lãnh thổ thì vẫn tải AirVisual bình thường. Theo số liệu hiện nay thì chỉ số ô nhiễm của Hà Nội trên AirVisual giảm hơn nhiều so với những ngày trước đó”. Chị Hoa vừa đi du lịch sang Mỹ thì đọc được thông tin AirVisual “biến mất” nên đã đổi sim để tải thử.
Chỉ sau một đêm, ứng dụng AirVisual bị “biến mất” trên kho của AppStore hay Google. Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao ứng dụng này lại đột nhiên biến mất như vậy. Hiện, người dùng Việt Nam phải truy cập website của AirVisual để tham khảo thông tin về chất lượng không khí hoặc tải file về để cài đặt trên máy
Android. Những người đã có sẵn AirVisual trên điện thoại trước đó vẫn có thể sử dụng ứng dụng một cách bình thường.
Giải thích về việc “biến mất” này, đại diện của AirVisual cho biết: “AirVisual quyết định ngừng cung cấp ứng dụng tại Việt Nam do có quá nhiều người đã đánh giá 1 sao. Tuy nhiên, đây có thể chỉ mới là phương án tạm thời”.
AirVisual chia sẻ thêm, thông số những ngày qua trên ứng dụng không có nghĩa Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất. Danh sách “xếp hạng những thành phố lớn” của AirVisual hiện chỉ bao gồm khoảng 90 thành phố lớn trên thế giới.
Ứng dụng không đáng tin cậy
Theo Tổng cục Môi trường, trong thời gian từ 27/9 - 2/10, chất lượng không khí tại Hà Nội tiếp tục có những diễn biến xấu. Tuy nhiên, ngày 3/10, thời tiết tại khu vực Hà Nội đã có những thay đổi, có mưa và tốc độ gió cao hơn các ngày trước. Đây là các điều kiện thuận lợi để phát tán và rửa trôi các hạt bụi trong không khí. Tuy nhiên, trong những ngày tới, cần tiếp tục theo dõi, cập nhật về tình hình ô nhiễm không khí để có những ứng phó phù hợp. Trong khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao cần hạn chế các hoạt động ngoài trời, mở cửa sổ, sử dụng khẩu trang chống bụi.
Sự “biến mất” của AirVisual đã khiến nhiều người hoài nghi về độ tin cậy của ứng dụng này. Trên trang web của mình, AirVisual giải thích: “Ở một thời điểm nhất định, bất kỳ thành phố nào cũng có thể lọt vào top đầu, như những gì đã xảy ra với London và San Francisco năm ngoái”. Cùng với đó, AirVisual cũng công bố một bản báo cáo khi hợp tác cùng tổ chức Greenpeace vào hồi tháng 3 cho thấy: “Hà Nội không nằm trong danh sách 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2018”.
Trong khi đó, sáng 7/10, trên Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội đưa ra chỉ số môi trường Hà Nội ở mức độ nhạy cảm, đây được cho là nguồn tin chính thống của Hà Nội. Trong khi AirVisual công bố thông tin được thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, gồm 10 trạm của chính phủ và 4 trạm của các tổ chức phi chính phủ - đối tác của AirVisual. Trạm quan trắc tự động cố định của Hà Nội không cập nhật số liệu liên tục (theo thời gian thực - real time) mà theo trung bình giờ, nhưng AirVisual lại có số liệu cập nhật liên tục (real time). Đây cũng là dấu hỏi đặt ra trong hoạt động của hệ thống AirVisual.
Việc AirVisual trả lời lấy số liệu quan trắc của TP Hà Nội và Tổng cục Môi trường được các chuyên gia môi trường cho là không hợp lý. Bởi, các đơn vị trên chưa hề có sự đồng ý liên kết bằng văn bản nào cả. Những thông tin họ đưa ra đã không chính xác thì chưa thể đặt sự tin tưởng vào bảng xếp hạng mà họ công bố. Một cán bộ tại Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: “Đánh giá biến đổi khí hậu không thể cập nhật liên tục như nhiệt độ thời tiết. Cần phải có những theo dõi, nghiên cứu tổng hợp, khoa học mới đưa ra được”.
Thông tin trên mạng chỉ... tham khảo
Trước luồng ý kiến cho rằng, không khí ở Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, thông tin trên các trang mạng về chất lượng không khí chỉ mang tính tham khảo. Theo ông Thành, hiện nay trên thị trường có thiết bị đo cầm tay nhỏ gọn cho ra kết quả tức thời nhưng độ chính xác không bằng những thiết bị đã được chuẩn hóa. Do đó, thông tin trên các trạng mạng về chất lượng không khí chỉ mang tính tham khảo.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố hiện có 11 trạm quan trắc theo tiêu chuẩn Việt Nam để quan trắc tất cả các chỉ số về không khí, đặc biệt là bụi mịn PM 2.5. “Các trạm quan trắc đều 5 phút chuyển kết quả về trung tâm một lần. Các trang web của thành phố, Sở TN&MT và hệ thống các cơ quan báo chí Thủ đô, đều thông tin đầy đủ, thường xuyên về chất lượng không khí”, ông Hùng cung cấp những nguồn tin cậy.
Theo ông Hùng, môi trường không khí bị ô nhiễm phải xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, vấn đề là đo và đánh giá thế nào cho chuẩn và đề nghị lấy số liệu được quy chuẩn ở Việt Nam mới có thông tin chính xác.