Hà Nội: Sẽ có nghiệp đoàn giáo viên mầm non

Nghiệp đoàn giáo viên mầm non được thành lập, sẽ tạo niềm tin, sự gắn bó sâu sắc giữa các các đoàn viên nghiệp đoàn với nhau 

Hà Nội: Sẽ có nghiệp đoàn giáo viên mầm non

Hiện nay, thành phố Hà Nội có số lượng giáo viên mầm non ngoài công lập khá lớn. Tuy nhiên, chưa có tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ, nhất là khi có tranh chấp xảy ra. 

Chính vì vậy, kế hoạch thành lập nghiệp đoàn giáo viên mầm non ngoài công lập của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang được các giáo viên mầm non mong đợi. Tuy nhiên, để thành lập được nghiệp đoàn trên thực tế còn gặp không ít khó khăn.

Mới đi làm được 6 năm, nhưng đã 5 lần chuyển trường. Đó là câu chuyện của chị Dương Thị Hoa, giáo viên trường Mầm non Thương Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây cũng là tình trạng chung của khá nhiều giáo viên mầm non. 

Có lần chị Hoa chuyển trường vì lý do gia đình, nhưng cũng có lần chị phải chuyển trường vì quyền lợi không được bảo đảm khi làm việc. Nhưng nhìn chung, mỗi lần chuyển trường chị đều bị thiệt thòi. Có trường cắt lương luôn tháng chị xin nghỉ việc, hoặc gây khó dễ trong việc chốt sổ bảo hiểm…

Khi làm việc ở các trường tư thục, chị Hoa cho biết, thường thì làm việc ngày nào được tính tiền ngày đó. Nếu ốm đau phải nghỉ việc thì cũng bị trừ lương. Vì không được đóng bảo hiểm, nên ngay cả khi chị sinh con cũng không được hưởng bất cứ một chế độ gì. 

Chính vì vậy, cũng như hàng nghìn giáo viên mầm non tư thục khác, chị Dương Thị Hoa mong muốn có một tổ chức để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình .

Chị Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường mầm non Vương quốc trẻ thơ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, thành lập nghiệp đoàn giáo viên mầm non sẽ giúp các giáo viên yên tâm công tác hơn. 

Điều này không chỉ có lợi cho người lao động mà còn có lợi cho cả người sử dụng lao động, giữ được sự ổn định giáo viên cho các trường mầm non tư thục.

Tuy nhiên, không phải giáo viên mầm non nào cũng tự ý thức được quyền lợi của mình. Nhiều giáo viên chỉ coi các trường tư thục là chỗ làm tạm thời trong khi chờ tìm một chỗ ở trường mầm non công lập nên lực lượng này hay bị xáo trộn. 

Một số người còn từ chối việc tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, một số trường tư thục có quy mô nhỏ, chỉ với 5-6 cô giáo đứng lớp nên để thành lập một tổ chức cũng không dễ.

Theo ông Ngô Văn Tuyến, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội, hiện nay Hà Nội có lực lượng khá lớn giáo viên, người lao động làm việc ở các cơ sở mầm non ngoài công lập nhưng chưa đứng trong tổ chức công đoàn. 

Bởi vậy, để đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, Liên đoàn lao động thành phố vận động thành lập nghiệp đoàn giáo viên mầm non ngoài công lập. 

Trước mắt, thí điểm thành lập tại 3 quận Cầu Giấy, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Sau khi đi vào hoạt động, Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội sẽ đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, để phát triển mô hình này ra toàn thành phố.

"Nếu thành lập được nghiệp đoàn chắc chắn về mặt tư tưởng, nghề nghiệp, các cô giáo trong nghiệp đoàn rất yên tâm. Khi được thành lập, chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành phố và các quận huyện quan tâm chăm lo về vật chất về tinh thần, đặc biệt là về chế độ chính sách để họ yên tâm với công việc”- Ông Ngô Văn Tuyến cho biết.

Trường mầm non là một môi trường quan trọng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Chính vì vậy, giáo viên mầm non cần phải được quan tâm, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng. 

Nghiệp đoàn giáo viên mầm non được thành lập, sẽ tạo niềm tin, sự gắn bó sâu sắc giữa các các đoàn viên nghiệp đoàn với nhau và giữa đoàn viên với tổ chức nghiệp đoàn; góp phần vào phát triển sự nghiệp giáo dục mầm non của Thủ đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ