Hà Nội: Sau Tết số ca mắc bệnh sởi tăng nhanh

GD&TĐ - Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, đến nay, toàn thành phố có 114 ca mắc sởi. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2018, cả thành phố chỉ có 8 ca. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sởi ở Hà Nội tăng 14,2 lần. Đặc biệt trong số những ca mắc sởi có tới 89,1% chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã có hơn 978 ca mắc sởi. Số ca sởi tăng trong bối cảnh dịch sởi đang tăng cao của cả nước và thế giới. Bên cạnh đó, ý thức phòng ngừa bệnh sởi của người dân còn kém.

Hiện bệnh sởi đã có mặt ở tất các quận huyện trên địa bàn thành phố. Đáng lưu ý, 95% bệnh nhân sởi đều chưa được tiêm phòng. Dự báo tình hình bệnh sởi trên địa bàn TP.HCM sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh sởi

Bệnh nhân có dấu hiệu sốt, sau đó có triệu chứng viêm long điển hình như ho khan, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, viêm kết mạc… Trong họng sẽ có những chấm trắng nhỏ; sau vài ngày ban sởi sẽ mọc từ đầu, mặt, cổ rồi xuống lưng, cánh tay và chân.

Khi mắc sởi, không nhất thiết tất cả các bệnh nhân phải nhập viện, các bệnh nhân có thể đến khám tại các cơ sở y tế quận, huyện… Chỉ nên nhập viện đối với những trường hợp cơ địa đặc biệt có nguy cơ biến chứng như phụ nữ có thai, hoặc trẻ em có biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi. Còn những trường hợp khác có thể điều trị cách ly tại nhà.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài.

Để phòng ngừa bệnh sởi, ngành y tế khuyến cáo người dân cần đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi; hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh hô hấp. Đồng thời người dân phải tăng cường rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

Chủ động phòng chống bệnh sởi

Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi.

1. Chủ động đưa trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến các điểm tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại xã phường để tiêm vắc xin sởi mũi 1.

2. Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại vắc xin sởi mũi 2.

3. Tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella trong chiến dịch và cần được tiêm vét ngay càng sớm càng tốt.

4. Đối với các trẻ lớn trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 02 mũi vắc xin sởi, kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước ba tháng cũng cần tiêm bổ sung vắc xin sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cho con và cho cộng đồng.

Việc cần làm để tránh bị nhiễm lây bệnh sởi

1. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

2. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

3. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

4. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi

Biến chứng đường hô hấp

Viêm thanh quản

Giai đoạn sớm, là do virus sởi: Xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban thường mất theo ban, hay có Croup giả, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản.

Giai đoạn muộn: Do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu…), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: Sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở, tím tái.

Viêm phế quản


Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kì mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, neutro tăng, X-quang có hình ảnh viêm phế quản.

Viêm phế quản - phổi

Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban. Biểu hiện nặng: sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ra nổ. Xquang có hình ảnh phế quản phế viêm (nốt mờ rải rác 2 phổi). Bạch cầu tăng, neutro tăng, thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

Biến chứng thần kinh

Viêm não - màng não - tủy cấp: Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh của Mỹ, cứ khoảng 1.000 trẻ bị sởi thì có một trẻ bị viêm não. Viêm não có thể gây co giật, hôn mê, tử vong hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của trẻ sống sót

Viêm màng não: Có thể viêm màng não thanh dịch do virus sởi hoặc viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.

Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa (Van bogaert): Hay gặp ở tuổi 2 - 20 tuổi, xuất hiện muộn sau vài năm, điều này cho thấy virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diễn biến bán cấp từ vài tháng đến một năm. Bệnh nhân tử vong trong tình trạng tăng trương lực cơ và co cứng mất não.

Biến chứng đường tiêu hóa: Thường gặp là viêm niêm mạc miệng, viêm ruột, cam mã tấu… Tiêu chảy cũng thường gặp ở những trẻ bị sởi. Tiêu chảy sau sởi nặng nề hơn và có nhiều biến chứng hơn tiêu chảy cấp do virus thông thường.

Viêm loét giác mạc: Có thể gặp ở trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và có thể gây mù vĩnh viễn. Ở trẻ em châu Phi, sởi là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Phụ nữ mang thai nếu bị sởi thì có thể bị sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ