Hà Nội sắp xây 300 nhà chờ xe buýt có wifi bằng vốn xã hội hóa?

Để khuyến khích người dân đi xe buýt, Sở GTVT Hà Nội đang rà soát để lựa chọn 307 vị trí đầu tư lắp đặt nhà chờ trên các tuyến ngoại thành.

Điểm dừng xe buýt trên Đại lộ Thăng Long kết nối với TX Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng phục vụ người dân mới chỉ dừng lại ở việc cắm biển thông báo số tuyến buýt, lộ trình tuyến buýt đi qua
Điểm dừng xe buýt trên Đại lộ Thăng Long kết nối với TX Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng phục vụ người dân mới chỉ dừng lại ở việc cắm biển thông báo số tuyến buýt, lộ trình tuyến buýt đi qua

Sáng 19/8, ghi nhận của PV trên các tuyến buýt ngoại thành, hầu hết các điểm dừng chờ đều rất sơ sài, xập xệ.

Trên Đại lộ Thăng Long, có nhiều tuyến buýt hoạt động kết nối vùng nội đô với các huyện, thị xã ngoại thành như: Tuyến 71 (BX Mỹ Đình - Xuân Mai), tuyến 74 (BX Mỹ Đình - Xuân Khanh), tuyến 107 (Kim Mã - BX Sơn Tây), tuyến 87 (BX Mỹ Đình - Quốc Oai - Xuân Mai), song tại đây, hệ thống nhà chờ xe buýt gần như chưa được lắp đặt. Các điểm dừng phục vụ người dân mới chỉ được cắm biển thông báo số tuyến buýt, lộ trình tuyến buýt đi qua.

Thậm chí, các điểm dừng xe buýt khu vực cầu chui dân sinh số 6, Công ty Hatech (Km10, Đại lộ Thăng Long) còn không có chỗ đứng chờ xe, cỏ hoang mọc um tùm rất mất vệ sinh. Các bảng biển thông báo của điểm dừng xiêu vẹo, bị bôi đủ thông tin quảng cáo bằng nước sơn khó tẩy, gây mất mỹ quan.

Tương tự, hệ thống nhà chờ xe buýt trên tuyến QL1, địa phận qua huyện Thường Tín, Hà Nội cũng trong cảnh tạm bợ. Mặt đường QL1 vốn hẹp nhưng xe cộ từ các tỉnh phía Nam đổ lên luôn đông đúc. Hai bên đường, một bên là các hộ dân sinh sống san sát, một bên lại có đường sắt chạy qua nên việc bố trí nhà chờ, điểm dừng xe buýt rất bất cập.

Có những vị trí sát đường sắt, điểm dừng xe buýt chỉ cắm một chiếc biển thông báo tuyến hành trình, hành khách phải đứng ngay dưới lòng đường. Phía đường đối diện (nhất là đoạn qua thị trấn Thường Tín), điểm dừng xe buýt lại được thiết lập ngay sát các hộ kinh doanh hoặc khu vực chợ đông đúc, hành khách phải chờ xe trong sự lộn xộn, rất nguy hiểm.

Tại trục đường QL6 thuộc địa phận huyện Chương Mỹ, hàng ngày có hàng nghìn học sinh, sinh viên, người lao động sử dụng xe buýt để ra trung tâm thành phố cũng chưa được lắp đặt nhà chờ.

Em Lê Thị Phương, sinh viên Trường ĐH Quốc gia vừa phải kê dép ngồi tại điểm chờ xe buýt trên trục đường QL6 đối diện siêu thị Lan Chi Mart nói: “Ngày nào em cũng bắt xe buýt di chuyển ra Cầu Giấy để đến trường. Có nhiều hôm nhỡ tuyến buýt ngồi “đội nắng” 20 phút xe buýt mới tới”.

Đầu tư bằng vốn xã hội hóa

Theo Trung tâm Điều hành giao thông đô thị, trên địa bàn Hà Nội hiện có 71 tuyến buýt (bao gồm các tuyến nhánh) đi qua khu vực 17 huyện ngoại thành và TX Sơn Tây với 2.127 điểm dừng xe buýt (bao gồm cả các điểm đầu, cuối) để đón trả khách. Cự ly bình quân giữa các điểm dừng ở khu vực ngoại thành khoảng 900m/điểm. Nhưng hiện mới có 23 điểm dừng có nhà chờ xe buýt (chiếm dưới 1% tổng số điểm dừng hiện có). 

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông đô thị cho biết, với tỷ lệ chiều dài tuyến chiếm 57% toàn mạng, hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khu vực ngoại thành giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới xe buýt của TP Hà Nội.

Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ số điểm dừng đón trả khách có nhà chờ mới tại các huyện ngoại thành chỉ đạt khoảng 1% tổng số điểm dừng chờ.

“Thời gian chờ đợi xe buýt của hành khách tại các điểm dừng khu vực ngoại thành lâu hơn so với khu vực nội đô do mật độ xe buýt và tần suất hoạt động thấp. Việc bố trí nhà chờ che nắng, che mưa và có ghế ngồi cho hành khách là cần thiết”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, dự kiến 307 nhà chờ xe buýt sẽ được lắp đặt bằng nguồn vốn xã hội hóa. “Việc xây dựng nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội thường theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh)”, ông Hải nói.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, vừa chủ trì phối hợp với 17 huyện ngoại thành và TX Sơn Tây tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng điểm đón trả khách trên các tuyến thống nhất lựa chọn được 307 vị trí trên địa bàn 17 huyện có thể đầu tư lắp đặt được nhà chờ xe buýt.

“Các nhà chờ có khả năng mở rộng, tích hợp ứng dụng như: Sử dụng công nghệ thông minh (wifi, bảng điện tử, màn hình cảm ứng, pin năng lượng mặt trời) tại những vị trí có đủ điều kiện...”, ông Viện khẳng định.

Chuyên gia giao thông, GS. TS. Từ Sỹ Sùa cho biết, chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng nhà chờ xe buýt của Hà Nội là rất cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt.

“Việc đầu tư xây dựng nhà chờ mới phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản. Về diện tích, do thời gian chờ xe của hành khách không quá lâu nên không cần yêu cầu quá cao về diện tích, có thể chỉ cần đảm bảo không gian hợp lý đủ cho 5, 6 người ngồi và 5, 6 người đứng để tránh trú nắng, mưa”, GS. TS. Sùa nói và cho rằng, bên cạnh các tiêu chuẩn cơ bản, cũng cần lưu ý tới vấn đề “giao thông tiếp cận” đối với những người khuyết tật.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ