Hà Nội sẵn sàng đón hơn 1 triệu học sinh trở lại trường, tổ chức bán trú từ đầu tuần tới

GD&TĐ - Sáng 5/4, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức cuộc họp trực tuyến về việc triển khai công tác cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 trở lại trường học trực tiếp sau thời gian tạm dừng đến trường.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chủ trì cuộc họp
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chủ trì cuộc họp

Các nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng

Dự cuộc họp có Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Phó Giám đốc Trần Lưu Hoa cùng lãnh đạo, chuyên viên các phòng chức năng của Sở. Tại điểm cầu các  quận, huyện, thị xã có lãnh đạo các Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn.

Thông tin tại cuộc họp, bà Phạm Thị Lệ Hằng- Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: Đến thời điểm này, 100% các nhà trường đã sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Phòng cũng đã chỉ đạo các nhà trường khảo sát ý kiến của phụ huynh, hầu hết đều mong muốn cho con trở lại trường.

Các nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị y tế, dọn dẹp bếp ăn bán trú, lên kế hoạch diễn tập phương án phân luồng học sinh, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Mặc dù từ khi nhận thông báo đến khi học trực tiếp chỉ có 2 ngày nhưng tất cả các trường đều không bị động vì có sự chuẩn bị từ trước. Phụ huynh cũng rất vui mừng, phấn khởi khi con được quay lại trường học tập.

Ông Phạm Ngọc Anh- Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy thông tin: Các trường tiểu học THCS quận Cầu Giấy đều rất phấn khởi trước quyết định của UBND TP cho học sinh trở lại trường. Các trường đã xây dựng kế hoạch đón học sinh, tổ chức vệ sinh khử khuẩn, tổ chức diễn tập đón học sinh. Khi học sinh đi học trở lại, các nhà trường sẽ triển khai các môn học tăng cường ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm.

Ông Cấn Văn Đa- Trưởng phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng cho biết đã yêu cầu các nhà trường chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để đón học sinh các khối lớp 1-6 trở lại học trực tiếp. Đồng thời triển khai đến các trường mầm non chuẩn bị sẵn phương án đón trẻ đi học trở lại. Hiện nay, hầu hết phụ huynh đều đồng thuận cho con trở lại trường..

Ý kiến của một số phòng GD&ĐT đều cho biết đã sẵn sàng kịch bản, phương án tổ chức dạy học khi học sinh đi học trực tiếp. Trong ngày 5/4, các hiệu trưởng sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tiến hành họp phụ huynh để thông báo các nội dung phối hợp nhằm đảm bảo công tác an toàn, chất lượng khi học sinh đến trường học trực tiếp.

Vấn đề phân luồng giao thông trước- trong- sau buổi học, rèn luyện nề nếp học tập, vừa ôn luyện kiến thức cũ - vừa dạy kiến thức mới, đảm bảo chương trình học theo đúng kế hoạch; đặc biệt quan tâm đến học sinh đầu cấp, quan sát và kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường trong tâm sinh lý của học sinh… cũng là những nội dung được các phòng Giáo dục, các nhà trường đặc biệt lưu tâm thực hiện.

Về công tác bán trú, các phòng GD&ĐT cho hay, cùng việc tổ chức học trực tiếp, nhà trường sẽ xin ý kiến cha mẹ học sinh về nội dung ăn bán trú; tích cực chuẩn bị mọi điều kiện, bếp ăn, cơ sở vật chất, nhất là công tác đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi học sinh học 2 buổi/ngày và ăn bán trú. Do cần thêm thời gian rà soát, chuẩn bị nên trong một vài ngày đầu đi học trở lại, các trường tạm thời chưa tổ chức ăn bán trú mà sẽ triển khai thực hiện từ đầu tuần tới.

Cuộc họp diễn ra tại điểm cầu Sở GD&ĐT Hà Nội cùng 30 điểm cầu các quận, huyện, thị xã và các điểm cầu tại các trường học trên địa bàn thành phố
Cuộc họp diễn ra tại điểm cầu Sở GD&ĐT Hà Nội cùng 30 điểm cầu các quận, huyện, thị xã và các điểm cầu tại các trường học trên địa bàn thành phố

Sớm cho trẻ mầm non đến trường

Sau khi nghe ý kiến và báo cáo của các đơn vị trong cuộc họp, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương đánh giá cao tinh thần chuẩn bị của các Phòng GD&ĐT, các nhà trường cũng như sự vào cuộc của UBND quận, huyện, thị xã để có tâm thế tốt nhất khi học sinh tiểu học, lớp 6 quay trở lại học trực tiếp từ ngày 6/4.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Đến thời điểm này, các nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng đón hơn 1 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại. Điều quan trong nhất mà ngành GD-ĐT Thủ đô phải thực hiện là làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em học sinh khi quay lại học tập.

Do đó, các trường cần quan tâm đến nguồn lực, điều kiện khi tổ chức bán trú; không lơ là, chủ quan, xem nhẹ các khâu, đồng thời phối hợp với y tế và các ban, ngành địa phương đảm bảo thông suốt việc học tập của học sinh trên tinh thần đảm bảo an toàn đến đâu thì cho học sinh quay lại học đến đó. Khi tổ chức bán trú, các bếp ăn phải tổng vệ sinh khử khuẩn,đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của phụ huynh khi học sinh quay lại học tập. Hiện nay, vẫn còn một số phụ huynh có tâm lý em ngại khi cho con đến trường. Do đó, các thầy cô cần tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh hiểu về sự cần thiết của việc cho học sinh đến trường. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai dạy trực tuyến cho học sinh chưa đến trường.

Khi học sinh đi học trở lại, cần có phương án để học sinh làm quen với trường lớp, với thầy cô. Chỉ còn gần 2 tháng nữa kết thúc năm học, các thầy cô cần quan tâm dạy chương trình cốt lõi đảm bảo khung năm học, đặc biệt quan tâm đến học sinh lớp 9 khi các em bước vào kỳ thi chuyển cấp, đồng thời cũng là lứa học sinh đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu kết luận
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu kết luận

Ông Trần Thế Cương cũng cho biết, sau khi khối lớp 1-6 đến trường đảm bảm an toàn, Sở sẽ chỉ đạo các nhà trường tiến hành việc lấy ý kiến cha mẹ học sinh để đồng thuận quyết định cho đi học trở lại. Các trường mầm non từ thời điểm này cần kích hoạt các điều kiện về công tác vệ sinh môi trường, bếp ăn bán trú, sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại

Các nhà trường cũng cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất để tiêm phòng cho học sinh từ 5-11 tuổi, dự kiến sẽ tiêm quý 2 năm 2022. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh đồng thuận vì chỉ có tiêm vắc xin mới đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi trở lại trường học.

"Trong suốt 2 năm qua, tình hình dịch bệnh đã tác động lớn đến ngành GD trong công tác dạy học. Giáo viên vất vả trong bối cảnh này, các em học sinh bị ảnh hưởng sức khỏe như các bệnh về mắt, bệnh trầm cảm. Do đó, các thầy cô, các nhà trường cần phối hợp với cha mẹ học sinh để nắm bắt tâm lý, tình cảm, tư tưởng của các em, để không xảy ra những sự việc đáng tiếc"- ông Trần Thế Cương chia sẻ.

Nhấn mạnh việc mở cửa trường học là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, ông Trần Thế Cương đề nghị lãnh đạo thành phố cùng các sở, ban, ngành, các địa phương cùng tham gia để giúp các em học sinh sớm quay trở lại trường học. Lãnh đạo các Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu các nhà trường cần báo cáo với chính quyền địa phương để tạo thuận lợi cho học sinh quay lại trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.