Hà Nội: Nhiều thay đổi trong việc xử lý trường hợp mắc Covid-19 tại trường học

GD&TĐ - Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp của liên Sở GD&ĐT, Sở Y tế Hà Nội đã có những quy định cụ thể về quy trình xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 trong trường học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Liên Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn liên ngành số 489/HDLN-SGDĐT-YT về công tác phòng, chống dịch bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 khi học sinh trở lại trường học.  Hướng dẫn này thay thế cho các hướng dẫn liên ngành 3668/HDLN-SGDĐT-YT ngày 25/10/2021 và hướng dẫn liên ngành 21306/HDLN-SGDĐT-YT ngày 3/12/2021.

Theo hướng dẫn, các trường hợp F1 sẽ được xử lý linh hoạt hơn so với quy định cũ. Các trường hợp F2 không còn là những đối tượng cần xử lý. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý các cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp; chỉ xét nghiệm với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.

Hướng dẫn cũng quy định cụ thể về việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh như ưu tiên tổ chức ăn ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; giãn cách tối đa theo điều kiện của từng lớp; học sinh ăn theo suất riêng, không dùng chung các đồ cá nhân, rửa tay với nước sạch, xà phòng trước và sau khi ăn.

Nội dung quan trọng tại văn bản hướng dẫn quy trình xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19 (F0), F1, nghi ngờ mắc Covid-19 tại trường học. Cụ thể, khi phát hiện F0 trong giờ học/làm việc tại trường, cần thực hiện 4 bước:

Bước 1: Báo ngay hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường; chuyển ngay F0 đến phòng cách ly tạm thời của trường theo lối đi riêng (nếu F0 do gia đình thông báo cho nhà trường hoặc F0 được phát hiện ở địa điểm không phải là phòng cách ly) hoặc tiếp tục cách ly tạm thời F0 ở phòng cách ly nếu phát hiện F0 do xét nghiệm nhanh tại phòng cách ly.

Bước 2: Thông báo đồng thời ngay cho trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công để phối hợp hỗ trợ trường học xử lý trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đánh giá tình trạng sức khỏe F0 để phối hợp chuyển đến cơ sở điều trị Covid-19 hoặc tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà và báo y tế địa phương nơi cư trú để theo dõi và hướng dẫn điều trị.

Bước 3: Đối với lớp học có học sinh F0, giáo viên đang dạy lớp cho học sinh ngồi yên tại chỗ; tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 ở trong lớp đó và các F1 khác ở ngoài lớp đó (nếu có); cho F1 di chuyển đến phòng cách ly y tế; tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 cho các trường hợp F1 của lớp, F1 đang có mặt tại trường (mẫu đơn hoặc mẫu gộp không quá 3 người, ưu tiên mẫu đơn cho người nghi mắc/có triệu chứng).

Bước 4: Đối với lớp có học sinh F0, sau khi xác định F1, cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng (nếu có) và khử khuẩn toàn bộ lớp học. Đối với học sinh các lớp học khác, nếu không có sự giao lưu tiếp xúc với F0 thì cho đi học bình thường. Nếu xác định có học sinh tiếp xúc gần (F1) với F0 thì tiến hành xét nghiệm kháng nguyên nhanh với F1 và xử lý F1 theo quy định.

Về bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống Covid-19 trong trường học, hướng dẫn liên ngành yêu cầu các đơn vị trường học phải đạt từ 8 tiêu chí trở lên trong tổng số 16 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí 1 về bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế trường học được yêu cầu bắt buộc phải đạt được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.