Hà Nội: Nhiều khu đất 'vàng' sẽ thành trường học

GD&TĐ - Hà Nội điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu đô thị ở nhiều quận, huyện (Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đan Phượng...).

Hiện trạng ô đất để xây dựng trường học tại khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) dưới chung cư HH - Linh Đàm.
Hiện trạng ô đất để xây dựng trường học tại khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) dưới chung cư HH - Linh Đàm.

Trong đó có nhiều ô đất nội đô, đông dân cư ưu tiên xây trường học.

Thiếu trường ở phường đông dân

Sáng 21/5, đại diện lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai cho biết, sẽ xây dựng thêm 2 trường học ở khu HH Linh Đàm theo quyết định của UBND TP Hà Nội về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Hoàng Mai.

Cụ thể, theo văn bản 1995 (ngày 15/4/2024) được ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký bổ sung danh mục kế hoạch sử dụng đất là 8 dự án với tổng diện tích 5,0117 ha. Đáng chú ý là các dự án xây dựng trường tiểu học và trường mầm non tại ô đất TH3 và NT 3 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm do Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - Công ty TNHH là đơn vị tổ chức đăng ký. Khu ô đất xây trường có diện tích 1,084 ha tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), thời gian thực hiện dự án trong quý I/2026.

Ghi nhận của GD&TĐ sáng 21/5, ô đất TH3 và NT3 thuộc cụm tòa chung cư HH Linh Đàm và gần Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai (phường Hoàng Liệt) hiện là bãi trông giữ xe ô tô có sức chứa lên đến hàng trăm phương tiện. Anh Nguyễn Văn Bình, cư dân chung cư HH Linh Đàm cho biết, cùng với giao thông, bãi xe thì sức ép giáo dục là rất lớn. “Số lượng tòa chung cư nhiều lại chủ yếu là gia đình trẻ nên nhu cầu học tập cho học sinh ở bậc mầm non và tiểu học là rất lớn và áp lực…”, anh Bình nói.

Vị phụ huynh này cũng bày tỏ, thông tin xây dựng thêm trường học ở phường Hoàng Liệt là niềm mong mỏi của mỗi cư dân nơi đây. Việc quá tải trường lớp ở Hoàng Liệt không phải là câu chuyện mới bởi dân số lớn nhất, nhì các phường ở Hà Nội. Hiện vẫn có nhiều trường phải cho học sinh nghỉ học luân phiên vào các ngày trong tuần. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học tập của học sinh mà còn khiến cho cuộc sống của hàng trăm gia đình bị đảo lộn…

Còn tại quận Thanh Xuân, UBND TP Hà Nội điều chỉnh chức năng khu đất 1,26 ha để xây trường học ở phường Khương Đình. Cụ thể, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký văn bản số 2480 (ngày 9/5) về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 tại một phần ô quy hoạch C2-CQ2 tại phường Khương Đình.

Mục tiêu của việc điều chỉnh là làm cơ sở nghiên cứu lập quy hoạch tổng mặt bằng, dự án đầu tư xây dựng “Cải tạo nâng cấp Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Khương Hạ” và là cơ sở để các cấp chính quyền thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật. Tổng diện tích đất nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch khoảng 1,26 ha.

Nội dung điều chỉnh chức năng đất cơ quan, viện nghiên cứu, trường đào tạo sang chức năng đất trường học (tiểu học, THCS và THPT) với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt. Về không gian kiến trúc cảnh quan khu đất trường học phải hài hòa với cảnh quan chung khu vực, phù hợp với tính chất sử dụng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, môi trường giáo dục, phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến, hiện đại.

Hà Nội giao UBND quận Thanh Xuân chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức công bố công khai điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 tại một phần ô quy hoạch ký hiệu C2-CQ2.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

“Đột phá” đầu tư cho giáo dục

Tại huyện Đan Phượng, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 2446 (ngày 7/5) về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị S1, tỷ lệ 1/5000 tại một phần ô quy hoạch ký hiệu A6 (phần quy hoạch sử dụng đất và giao thông), địa điểm tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng để xây dựng trường.

Cụ thể, văn bản làm cơ sở nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 và dự án đầu tư xây dựng trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại để nâng cao môi trường giáo dục; phát triển hệ thống trường học chất lượng cao. Đồng thời xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến, hiện đại, là cơ sở để các cấp chính quyền thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật. Tổng diện tích đất nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch khoảng 7,03 ha (trong đó đất trường trường phổ thông có nhiều cấp học khoảng 5,2 ha).

Theo đó, nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch bao gồm: Điều chỉnh chức năng đất trường THCS, THPT, một phần đất nhóm nhà ở xây dựng mới và tuyến đường giao thông thành chức năng đất trường học phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao; điều chỉnh một phần đất nhóm nhà ở xây dựng mới sang đất giao thông.

Tại huyện Đông Anh, ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy cho biết, huyện đặc biệt quan tâm đầu tư cho GD&ĐT. Huyện ủy Đông Anh đã ban hành Nghị quyết số 555 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đầu tư cơ sở vật chất; bảo đảm an ninh, an toàn các trường học trên địa bàn huyện.

Nghị quyết nhấn mạnh đến mục tiêu đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đảm bảo đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học hiện đại; đảm bảo an ninh an toàn... nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

“Cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên, Đông Anh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng trường học đạt chuẩn để nâng cao chất lượng giáo dục. Địa phương ưu tiên nguồn lực, đảm bảo 100% trường xây mới đảm bảo tiêu chí chuẩn quốc gia mức độ 2...”, ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, dự kiến các trường ở Thủ đô tuyển mới khoảng 100.000 trẻ nhà trẻ, 52.000 trẻ mẫu giáo, 145.000 học sinh lớp 1 và 160.000 học sinh lớp 6 trong năm học 2024 - 2025. Về công tác tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10) bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý, các Trưởng phòng GD&ĐT tham mưu lãnh đạo quận, huyện, thị xã về các giải pháp, dự báo tình hình để có phương án triển khai, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng, chen lấn để nộp hồ sơ tại các trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.