Bà N.T.T. (70 tuổi, ở Hà Nội) nhiều năm qua mắc chứng bệnh “khó nói”, dù bà đã đi khám phụ khoa nhiều nơi, nhưng vẫn không điều trị dứt điểm được bệnh. Theo đó, bà T. bị đi tiểu buốt, tiểu ra máu, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng đi tiểu ra nước có màu trắng như sữa. Khi đến khám tại một số cơ sở y tế, bà T. được chuẩn đoán bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tuy nhiên việc điều trị không có hiệu quả.
Do tình trạng ngày càng nặng lên, mới đây bà T. được cháu gái đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiểm tra. Tại đây, qua thăm khám lâm sàng các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tiết niệu và cho đi kiểm tra. Ths. BS Nguyễn Đình Liên – Khoa Ngoại (BV Đại học Y Hà Nội) cho biết, sau khi xét nghiệm kết quả cho thấy nước tiểu của bệnh nhân không bị nhiễm khuẩn, trong khi đó chỉ số mỡ và dưỡng chấp (protein) trong nước tiểu rất cao.
Ths.BS Nguyễn Đình Liên cho biết, phải kết hợp với bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh mới phát hiển ra bệnh cho bà T.
Ngay sau đó, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định nội soi bàng quang và phát hiện thấy nhịp co bóp của bàng quang phun ra nước trắng. “Với kết quả nội soi trên, chúng tôi nghi ngờ người bệnh bị ký sinh trùng giun chỉ khu trú bên trong. Để có chuẩn đoán chính xác nhất, chúng tôi đã phối hợp với bác sĩ chuyển khoa Chẩn đoán hình ảnh và kết quả cuối cùng đúng như những gì trước đó nghi ngờ. Bệnh nhân bị nhiễm giun chỉ và dòng nước trắng mà bệnh nhân đi tiểu ra, chính là dưỡng chấp của giun chỉ”, BS Liên cho hay.
Theo BS Liên, từ trước đến nay chỉ ghi nhận một số ca giun chỉ làm tắc ống mạch bạch huyết ở chi gây ra hiện tượng “chân voi”, nhưng cũng ít gặp. Vì thế, trường hợp này, giun chỉ khu trú ở hệ thống tiết niệu là rất hiếm.
“Về cơ chế gây bênh, khi giun chỉ khu trú trong đường tiết niệu, sẽ làm thông thương ống mạch bạch huyết vào bể thận và từ đó gây ra hiện tượng đái ra dưỡng chấp của giun chỉ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị suy kiệt sức khỏe (vì giun chỉ hấp thu hết dưỡng chất) điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh”, BS Liên phân tích.
Bệnh nhân đi tiểu ra nước màu trắng như sữa do mắc bệnh ký sinh trùng hiếm gặp. Ảnh minh họa.
Khi có kết quả chẩn đoán, người bệnh được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp nút mạch bạch huyết, đồng thời điều trị tiêu diệt ký sinh trùng giun chỉ bằng cách cho uống thuốc. BS Liên cho biết, trước đây nếu người bệnh mắc căn bệnh này, thông thường sẽ phải mổ phanh với vết mổ dài khoảng 20cm. Tuy nhiên, với ca bệnh này các bác sĩ đã sử dụng phương pháp nút mạch bạch huyết với mức độ xâm lấn chỉ là 0,5cm.
Ưu điểm của phương pháp này là bệnh nhân ít bị xâm lấn, phụ hồi nhanh. Thực tế, ngay sau khi phẫu thuật bệnh nhân đã có thể đi lại được, và đem lại hiệu quả điều trị cao. “Ngay sau khi thực hiện can thiệp, trong lần đi tiểu đầu tiên, bệnh nhân đã không còn đi tiểu ra nước màu trắng như sữa nữa”, BS Liên chia sẻ.
Được biết, phương pháp này ở miền Bắc mới được áp dụng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, do chưa được bảo hiểm thanh toán nên chi phí người bệnh phải trả khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, do nữ bệnh nhân này hoàn cảnh khó khăn, nên các bác sĩ đã “thương thảo” với nhà tài trợ để giảm một nửa chi phí cho người bệnh.
Về nguy cơ gây bệnh, BS Liên cho rằng, những người hay ăn đồ tái sống, đặc biệt là ăn gỏi cá nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nói chung và giun chỉ nói riêng sẽ rất cao. Chính vì thế, người dân nên ăn uống vệ sinh, không ăn đồ tái sống, khi có bất kể biểu hiện bất thường nào như rối loạn tiểu tiện, đi tiểu có màu sắc nước bất thường thì nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu để kiểm tra.