(GD&TĐ) - Ngày 25/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại thành phố Hà Nội.
Học sinh Hà Nội |
Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hà Nội là địa bàn đặc biệt quan trọng để Quốc hội tham khảo, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, từ đó đưa ra các chủ trương, cũng như ban hành các luật liên quan đến giáo dục một cách sát thực và phù hợp với thực tiễn.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 29 quận, huyện và thị xã với 577 xã, phường, thị trấn, hệ thống trường học cơ bản đảm bảo mỗi xã có ít nhất một trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở công lập; trung bình 3-5 vạn dân có một trường trung học phổ thông công lập. Quy mô các cấp học thành phố phát triển đa dạng với đầy đủ các loại hình trường lớp, đảm bảo 100% học sinh có địa điểm học tập. Hà Nội hiện có gần 2.500 cơ sở giáo dục, 44.000 lớp, trên 1,5 triệu học sinh, 110 ngàn cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Theo UBND thành phố Hà Nội, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành có một bước tiến so với chương trình trước đó, hầu hết đã giảm tính hàn lâm, chú trọng hơn tới yêu cầu phát triển kỹ năng thực hành, thí nghiệm và liên hệ vận dụng vào thực tiễn.
Sách giáo khoa giáo dục phổ thông nói chung được viết công phu, thẩm định kỹ, nội dung đã giúp cho việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều bài học còn nặng về lý thuyết, ít có tác dụng rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Một số nội dung còn cao đối với khả năng tiếp thu của học sinh.
Về hệ thống cơ sở vật chất, Hà Nội đã cơ bản xóa hết phòng học tạm, phòng học bán kiên cố, xuống cấp ở vùng sâu, vùng xa. Khu vực nội thành có thêm nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, trường có các phòng chức năng hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng quá tải ở một số trường điểm. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia gặp nhiều khó khăn ở một số quận nội thành.
UBND thành phố Hà Nội đã đề ra 4 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, bao gồm: (1) Thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và năng lực của CBQLGD (2) Ðẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học (3) Phát triển quy mô trường lớp, đa dạng hóa loại hình trường học, giảm số học sinh/ lớp, giảm số lớp/ trường (4) Tăng cường huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, khuyến khích phát triển hệ thống trường, lớp ngoài công lập.
Quỳnh Anh