Hà Nội: Mẹ bất chấp, ép con dùng thuốc "bổ não cho người già" để thi trường chuyên

GD&TĐ - Việc phải ghi nhớ kiến thức là sự tích lũy trong quá trình học tập lâu dài, chứ không trông chờ vào việc dùng các loại thuốc bổ trong vài ngày, vài tuần mà có kết quả như mong muốn.

Hà Nội: Mẹ bất chấp, ép con dùng thuốc "bổ não cho người già" để thi trường chuyên

Tìm mọi cách tăng cường trí nhớ cho con trong mùa thi

Chị Vũ Thị Ly – Long Biên, Hà Nội tâm sự, cả tháng nay gia đình chị thay đổi mọi sinh hoạt chỉ để phục vụ cô con gái thi vào lớp 10. Chị và chồng muốn cháu thi vào chuyên ngữ nhưng cháu lại thích thi vào trường khác.

Hà Nội: Mẹ bất chấp, ép con dùng thuốc

Cả nhà tranh luận chọn trường khiến ai cũng cảm thấy stress. Con chị cũng áp lực nên cảm giác trí nhớ suy giảm. Cháu mệt mỏi, chán ăn hơn. Chị Ly tìm mọi loại thuốc bổ, thuốc tăng cường tuần hoàn não cho con.

Còn vài ngày nữa là đến kỳ thi thì cháu lại ốm khiến cả nhà như ngồi trên đống lửa. Cả tuần nay xin nghỉ ở nhà chăm sóc và chuẩn bị hành trang cho con gái đi thi, trong đó không thể thiếu thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ.

Đọc hướng dẫn sử dụng các loại thuốc, chị Ly tâm sự dù biết là dành cho người suy giảm trí nhớ, người già nhưng chị vẫn tặc lưỡi dùng cho cháu 1 thời gian ngắn và nghĩ chắc sẽ không sao, chỉ cần con chị vào được trường chuyên.

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc được quảng cáo "bổ não, tăng cường trí nhớ, giúp thí sinh minh mẫn"... để chiều lòng các bậc phụ huynh . Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế chúng thực sự không có tác dụng như mọi người mong muốn.

TS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, cách tốt nhất chăm sóc sĩ tử mùa thi đó là ngủ đủ 6 – 8 tiếng ngày, ăn uống đủ chất tăng cường rau xanh, trái cây. Không nên quá chiều trẻ theo sở thích như thích ăn thịt quay, gà rán, đồ ăn nhanh không tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt là không cần thiết phải sử dụng các thuốc bổ não hay các chất kích thích thần kinh như cà phê, trà…

Theo TS Sơn, các loại thuốc bổ não thường được các bậc phụ huynh ưa chuộng bao gồm: các sản phẩm viên uống omega 3, các sản phẩm tăng tuần hoàn não và các sản phẩm xuất xứ nước ngoài, có chứa các chiết xuất tự nhiên như nhân sâm, gingko biloba...

Mẹ bất chấp, ép con dùng thuốc bổ não cho người già để thi trường chuyên-1
TS Trương Hồng Sơn.

Thuốc bổ não dành cho ai?

Sự thật là chưa có loại thuốc nào có thể giúp học sinh tăng trí nhớ hay tăng khả năng học tập cả. Về mặt khoa học việc phải ghi nhớ kiến thức là sự tích lũy trong quá trình học tập lâu dài, chứ không trông chờ vào việc dùng các loại thuốc bổ trong vài ngày, vài tuần mà có kết quả như mong muốn.

Đặc biệt, TS Sơn nhấn mạnh trên thị trường có những loại thuốc bổ não, điều trị sự suy giảm trí nhớ nhưng chủ yếu dành cho người già, người bị đột quỵ, chấn thương sọ não, Alzheimer...

Dựa vào cơ chế tác dụng có thể phân những sản phẩm này thành các nhóm sau:

- Nhóm bổ sung vitamin B, C, D, omega 3, DHA (thực phẩm chức năng): vitamin nhóm B có tác dụng làm gia tăng quá trình methyl hóa, làm tăng khả năng hoạt hóa các synap thần kinh. Các vitamin nhóm B cũng được cho là có tác dụng làm giảm nồng độ hormon cystein, một chất làm cản trở quá trình nhớ. 

Vitamin B còn có thể làm tăng khả năng dẫn truyền thần kinh do tác động vào bao Schwan nên chúng có tác dụng trên khả năng tư duy. Song đó chỉ là tác dụng trên những đối tượng bị rối loạn thần kinh nặng như viêm đa dây thần kinh, tê phù.

Omega-3 là một axit béo có chủ yếu ở màng tế bào thần kinh do đó là một chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ phát triển, nhất là trẻ em. Nhưng vẫn cần tham khảo bác sĩ để có liều lượng thích hợp vì không được sử dụng vitamin trong thời gian dài.

- Modafinil (nhóm thuốc kích thích thần kinh) có chứa nicotine, caffeine: làm tăng nồng độ dẫn truyền thần kinh trung ương, khiến ức chế não bộ, tạo sự tỉnh táo tạm thời nhưng không dùng cho trẻ em.

- Các thuốc thuộc nhóm racetam như: piracetam, aniracetam, nebracetam, fasoracetam... Chúng có một số tác dụng chung là tác động lên một số chất dẫn truyền thần kinh như acetylcholin, noradrenalin, dopamin... Điều này có thể giải thích tác dụng tích cực của thuốc lên sự học tập và cải thiện khả năng thực hiện các test về trí nhớ.

Thuốc có thể làm thay đổi sự dẫn truyền thần kinh và góp phần cải thiện môi trường chuyển hóa để các tế bào thần kinh hoạt động tốt. Thuốc còn có tác dụng làm tăng giải phóng dopamin và điều này có thể có tác dụng tốt lên sự hình thành trí nhớ.

Thuốc được dùng điều trị triệu chứng chóng mặt, suy giảm trí nhớ, kém tập trung hoặc thiếu tỉnh táo, thay đổi khí sắc, rối loạn hành vi, kém chú ý đến bản thân, sa sút trí tuệ do nhồi máu não nhiều ở người cao tuổi...

Ở trẻ em, thuốc điều trị hỗ trợ chứng khó đọc và dùng bổ trợ trong điều trị giật rung cơ có nguồn gốc vỏ não...

- Nhóm các thuốc được coi là cải thiện trí nhớ, nhất là ở những người bị bệnh sa sút trí tuệ, mất trí nhớ nghiêm trọng. Những thuốc này đều có chung một mục đích là làm tăng nồng độ acetylcholin, chất trung gian dẫn truyền ở não bộ. Nhưng mỗi một loại thuốc lại có cách thực hiện không giống nhau.

Ví dụ như cholin là tiền thân của acetylcholin, acetylcarnitine lại là thuốc cộng hưởng đồng tác dụng, galantamine lại ức chế men phân hủy acetylcholin trên thần kinh nên gián tiếp làm tăng nồng độ chất trung gian hóa học này.

- Một số loại thực phẩm chức năng chẳng hạn nhân sâm, tuy là vị thuốc bổ quý giúp chống mệt mỏi, làm tăng khả năng tập trung và sự nhạy bén trong hoạt động thể lực và trí óc, nhưng chỉ nên coi nó như một thực phẩm bổ sung.

Đối với trẻ, không nên dùng bất cứ loại thuốc nào, ngoại trừ do thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng, có thể dùng thuốc bổ cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng, chẳng hạn, có thể dùng loại đa sinh tố (multivitamins) ngày 1 viên.

Theo Tin tức online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.