Hà Nội: Lao động tự do không phải xin xác nhận để hưởng hỗ trợ

GD&TĐ - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, gói hỗ trợ an sinh xã hội sẽ giảm tối đa các thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm quy định. Theo đó, lao động tự do không phải về quê xin xác nhận.

Đơn giản hóa thủ tục nhận hỗ trợ cho lao động tự do. Ảnh minh họa
Đơn giản hóa thủ tục nhận hỗ trợ cho lao động tự do. Ảnh minh họa

Cứng nhắc sẽ khiến lao động bị bỏ rơi

Hà Nội đang trong quá trình hỗ trợ nhóm lao động tự do, người lao động trong thời gian giãn cách xã hội, bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa. Tuy nhiên, nhiều đối tượng không thể về nơi cư trú hoặc thường trú để xin xác nhận theo quy định. Đây là vướng mắc khiến việc chi trả hỗ trợ gặp khó khăn.

Theo đó, ngoài đơn đề nghị, người dân phải photo hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú. Nếu là tạm trú phải khai tiếp một bản nữa để mang về nơi đăng ký thường trú và xác nhận không hưởng hỗ trợ. Giấy tờ nộp lên phường, chờ các cấp xét duyệt trong 8 ngày.

Đây là quy định khó bởi nhiều người tạm trú Hà Nội không thể về quê xin xác nhận do giãn cách. Hoặc là lao động tự do, có đủ giấy tờ nhưng vẫn không nhận được hỗ trợ vì “không phải là đối tượng”.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội xác nhận trong quá trình triển khai hỗ trợ còn gặp nhiều băn khoăn. Người lao động cho rằng “sao phải có xác nhận của nơi thường trú để hưởng tại nơi tạm trú và ngược lại”.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, việc này để tránh trục lợi chính sách, vì tinh thần của Nghị quyết 68 là thực hiện công khai. Hà Nội đề nghị phải có giấy xác nhận này, để xác định đúng diện thụ hưởng. Khi thực hiện, ngành lao động đã hướng dẫn cho các cấp cơ sở lập hội đồng xét duyệt, công khai để người dân giám sát.

Theo chuyên gia, việc kiểm soát chặt chẽ để không sót lọt đối tượng và cũng tránh trường hợp một người nhận trợ cấp nhiều lần. Nhưng sự cứng nhắc trong việc xác định đối tượng sẽ khiến nhiều nhóm bị bỏ rơi.

Trước đó, khi xây dựng gói hỗ trợ lần hai, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ (năm 2020). Gói trước đây yêu cầu lao động phải về quê, lấy xác nhận của địa phương thường trú rồi mới làm thủ tục. Bộ cho rằng không cần bước này nữa, người lao động ở đâu thì hưởng ở đấy.

Danh sách cần được liên kết, liên thông dữ liệu để tránh hưởng cùng lúc nhiều nơi và tăng cường khâu hậu kiểm. Việc này để tránh “một đồng gà ba đồng thóc”. Bởi lao động phải đi lại tàu xe tốn kém hơn tiền hỗ trợ và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bộ đã hướng dẫn các tỉnh, thành nhập liệu, báo cáo kết quả chi trả, hỗ trợ trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Trong đó có dữ liệu cụ thể về lao động, doanh nghiệp đã được hỗ trợ, nên việc đối chiếu hoàn toàn có thể thực hiện.

Trên tinh thần này, một số địa phương như Đà Nẵng, TPHCM… đã rút gọn thủ tục để tiền nhanh đến tay dân hơn. Nhiều tỉnh không yêu cầu về nơi thường trú xin xác nhận, hoặc để tổ dân phố rà soát thay vì yêu cầu người lao động phải làm đơn đề nghị.

Linh hoạt để hỗ trợ nhanh và thiết thực hơn

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề xuất tháo gỡ khó khăn cho lao động tự do.

Mới đây, UBND TP đã đồng ý và giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn hoàn thiện thủ tục. Theo đó, cần đảm bảo hồ sơ linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đúng quy định của pháp luật.

Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp nhận hồ sơ để xem xét. Cần giải quyết chính sách hỗ trợ lao động tự do thuộc đối tượng và đủ điều kiện quy định nhưng không thể về nơi thường trú hoặc cư trú để xác nhận theo quy định.

Đồng thời tổ chức tiếp nhận hồ sơ người lao động hàng ngày bằng các hình thức thuận lợi nhất cho người lao động. Cụ thể như tiếp nhận trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến... Cần linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Ngoài ra, tổ chức thẩm định, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách và công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai, hỗ trợ kịp thời cho lao động.

Căn cứ vào đó, UBND các quận, huyện, thị xã… gửi thông tin lao động đã được nhận hỗ trợ đến nơi người lao động thường trú hoặc tạm trú bằng các hình thức linh hoạt. Đồng thời, công khai danh sách trích ngang các trường hợp được hỗ trợ trên trang thông tin của đơn vị. Việc này để đảm bảo lao động được hưởng đúng nguyên tắc quy định của Chính phủ và tránh việc trục lợi chính sách.

Trước đây, cấp phường, xã tiếp nhận hồ sơ sau ngày 15 hằng tháng. Thời gian xét duyệt tối đa 10 ngày. Danh sách niêm yết công khai với cộng đồng dân cư để giám sát, đảm bảo đúng người thụ hưởng.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, lao động thuộc diện hỗ trợ vẫn phải có cư trú hợp pháp như thường trú, đăng ký tạm trú. Nhóm được hưởng là lao động tự do bị mất việc theo các quyết định chống dịch của thành phố, từ ngày 1/5 đến 31/12/2021, không bó hẹp các ngành nghề.

Theo quy định của Hà Nội, lao động tự do mất việc do tạm dừng hoạt động theo quyết định chống dịch của thành phố được hưởng 1,5 triệu đồng. Người hưởng đủ 15 tuổi trở lên, cư trú hợp pháp. Lao động gửi đơn đề nghị tới cấp xã, phường nơi cư trú, kèm photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp. Người hưởng có thể chọn hình thức nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, bưu điện hoặc chi trả trực tiếp.

Sau 1 tháng triển khai, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 68 thông qua nhiều biện pháp đồng bộ. Việc triển khai hỗ trợ cần nhanh, cụ thể và thiết thực hơn. Trong đó cần ưu tiên quan tâm đến lực lượng lao động, công nhân bị mất việc, ngừng việc.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau một tháng triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, số lao động đã được hỗ trợ trên cả nước là hơn 13 triệu lượt người. Tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng. TPHCM đã tiếp nhận chi trả hỗ trợ tới người dân, người lao động 788 tỷ đồng. Bình Dương đã tiếp nhận 349 tỷ đồng. Hà Nội tiếp nhận 386,8 tỷ đồng. Bến Tre tiếp nhận hơn 32 tỷ đồng. Hậu Giang tiếp nhận 12,3 tỷ đồng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.