Chiều 5/6, Đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội.
Triển khai gói an sinh xã hội
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP được thành phố triển khai theo hai đợt.
Đến nay, việc chi trả đợt 1 cho các nhóm đối tượng là người có công; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đã hoàn thành. Việc rà soát 5 nhóm đối tượng thuộc diện thụ hưởng đợt 2 tiếp tục được các ngành, địa phương vào cuộc triển khai quyết liệt từ giữa tháng 5/2020.
Đến ngày 4/6, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tiếp nhận hơn 85.000 hồ sơ của người sử dụng lao động và người lao động đề nghị hỗ trợ, trong đó có hơn 82.500 hồ sơ là đối tượng lao động tự do; 153 hồ sơ của người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 135 hồ sơ của người sử dụng lao động đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Đặc biệt, đến nay các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Long Biên đã chi hỗ trợ với một số đối tượng là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên.
Các huyện: Mê Linh, Mỹ Đức và Thanh Trì đã chi kinh phí hỗ trợ cho một số hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải tạm ngừng kinh doanh…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để xác định chính xác các đối tượng thụ hưởng như: việc thẩm định điều kiện để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng không có cơ sở để kiểm tra, xác minh, mà dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng trục lợi chính sách.
Cùng với đó, công tác rà soát, xác định đối tượng trùng hưởng gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống theo dõi thống nhất, chủ yếu là rà soát bằng phương pháp thủ công, nên độ chính xác không cao.
Lao động ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương còn thiếu thông tin, dữ liệu để so sánh, đối chiếu. UBND cấp xã, phường, thị trấn rất khó khăn trong việc xác định mức thu nhập của người lao động có thấp hơn mức chuẩn cận nghèo để đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ hay không.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho rằng, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội, nếu cẩn trọng quá sẽ không hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng; nếu vội vàng có thể bị trục lợi chính sách.
Từ sự nhìn nhận đó, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành chức năng nghiên cứu giải pháp tháo gỡ những vướng mắc nêu trên và trả lời bằng văn bản để các địa phương dễ dàng thực thi.
Trước đó, Đoàn kiểm tra, giám sát đã có buổi làm việc với UBND quận Hà Đông; trao đổi, gặp gỡ người dân thuộc diện được hỗ trợ để lắng nghe ý kiến phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của họ.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, đến nay quận tiếp nhận 5.595 hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trên cơ sở đề xuất của các phòng, ban, ngành, địa phương, quận Hà Đông đã xét duyệt 1.778 trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ và đã ban hành quyết định chi trả đối với 329 trường hợp.
Khẩn trương chi hỗ trợ với nhóm lao động tự do
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã triển khai nội dung Nghị quyết số 42/NQ-CP với tinh thần trách nhiệm cao nhất; kết quả đạt được rất đáng ghi nhận.
Đến nay, Bộ chưa nhận được ý kiến phản ánh nào về việc Hà Nội triển khai chính sách không đúng người, đối tượng thụ hưởng, trong khi thành phố có số đối tượng thụ hưởng nhiều nhất cả nước. Điều này phần nào cho thấy, gói hỗ trợ an sinh xã hội đã cơ bản đi vào đời sống, được người dân Thủ đô ghi nhận, đánh giá cao.
Để gói hỗ trợ an sinh xã hội đến sớm với đối tượng thụ hưởng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội khẩn trương phê duyệt, chi trả tiền hỗ trợ cho nhóm lao động tự do; kịp thời tháo gỡ khó khăn để trợ giúp cho nhóm lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải sát sao, liên tục, bảo đảm đúng người, đối tượng thụ hưởng; tuyệt đối không để tiền hỗ trợ “lạc đường”. Muốn vậy, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố tới cơ sở phải tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục.
Về các đề xuất, kiến nghị của UBND thành phố, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chậm nhất vào ngày 8/6, Bộ LĐTB&XH sẽ trả lời cụ thể bằng văn bản về từng nội dung đang vướng mắc để các địa phương có căn cứ triển khai.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hà Nội cố gắng hoàn thành công tác chi trả cho các đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội theo nội dung Nghị quyết số 42/NQ-CP trước ngày 30/7/2020.
Đối với ngành bảo hiểm và ngành lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo cần tập trung vào những trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động và tạm hoãn hợp đồng lao động, cần phân loại ra để giải quyết, ai đủ điều kiện xử lý ngay.
Đặc biệt không được chủ quan, tránh sai sót trong quá trình thực hiện, làm việc phải chặt chẽ, chậm một chút, nhưng phải chắc. Tăng cường sự giám sát của mặt trận, công khai minh bạch, đừng để gói chính sách vào nhầm đường, vào nhà quan, nhà giàu.