Ngày 28/3, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, sau khi vào cuộc kiểm tra, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND quận Ba Đình, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng đơn vị chức năng về vụ việc trẻ bị bỏng tại cơ sở lớp mầm non độc lập Vạn Phúc.
Cụ thể, 15h ngày 27/3, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình nhận được thông tin phản ánh về việc cháu bé 9 tháng tuổi bị bỏng tại cơ sở lớp mầm non độc lập Vạn Phúc trên địa bàn quận Ba Đình.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình phối hợp với Phòng Y tế, UBND phường Cống Vị kiểm tra, xác minh tại cơ sở này. Qua kiểm tra, cơ sở lớp mầm non độc lập Vạn Phúc thành lập năm 2015, hiện có 8 giáo viên, nhân viên và 30 trẻ từ 24 tháng đến 6 tuổi, chia làm 4 nhóm lớp. Tháng 3/2025, cơ sở nhận thêm 1 trẻ là cháu L.N.A (9 tháng tuổi).
Báo cáo của Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho thấy, việc trẻ bị bỏng xảy ra vào khoảng 17h ngày 18/3, trong lúc pha sữa cho trẻ, cô giáo sơ ý cô để bình nước nóng ở ghế, cháu Lãnh Ngọc A bị bỏng trong trường hợp khi cơ sở trả trẻ còn lại (khoảng 5 cháu về muộn hơn, với 2 cô giáo trông tại tầng 1).
"Lúc đó phụ huynh đến đón trẻ lác đác và cháu A khóc nên cô giáo Nguyễn Thị Thảo đã pha sữa cho cháu. Do sơ ý cô để bình nước nóng ở ghế, cô vội chạy trả trẻ khác, đúng lúc đó cháu A bò ở gần đến kéo chân ghế làm đổ bình nước vào cổ và bị bỏng..." - Phòng GD&ĐT quận Ba Đình thông tin.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ sở mầm non đã phối hợp gia đình chuyển trẻ đến bệnh viện điều trị và chi trả toàn bộ chi phí, cử giáo viên đến chăm sóc cùng gia đình.
Khi trẻ ra viện, phụ huynh muốn cho con đi điều trị liền sẹo và có yêu cầu cơ sở viết cam kết có đóng dấu về việc điều trị tại các cơ sở y tế có uy tín. Chủ cơ sở đã viết cam kết (bản viết tay, không có dấu) phối hợp với phụ huynh cùng chăm sóc, chữa vết bỏng cho cháu tại cơ sở y tế trong nước, có giấy phép hành nghề theo đúng quy định của nhà nước và chịu mọi chi phí đến khi cháu lành bệnh. Việc lựa chọn cơ sở y tế theo nguyện vọng của phụ huynh và cơ sở. Tuy nhiên phụ huynh không đồng ý và yêu cầu phải là bản có dấu đỏ của cơ sở và theo nội dung yêu cầu của phụ huynh là điều trị tốt nhất, tối đa nhất việc để lại sẹo trên cơ thể ở các cơ sở y tế trong nước và quốc tế.
Trong thời gian diễn ra sự việc, cơ sở mầm non đã nhận khuyết điểm và chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý nhà nước các cấp về việc chưa báo cáo kịp thời, để xảy ra mất an toàn cho trẻ.
Chiều 28/3, đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cùng đơn vị chức năng đến thăm hỏi động viên cháu A tại gia đình. Đồng thời, Phòng GD&ĐT chỉ đạo chủ cơ sở và giáo viên tiếp tục quan tâm, thăm hỏi, xin lỗi, khắc phục các hậu quả do sơ ý dẫn đến việc cháu bị bỏng gồm: Chi phí, viện phí, chăm sóc và tạo điều kiện cho cháu tiếp tục đi học, hỗ trợ kinh phí học tập trong thời gian đầu.
Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cũng đã yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tiếp tục tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã và đang tiếp tục có nhiều giải pháp tăng cường nền nếp trong quản lý, chăm sóc trẻ. Để hạn chế các sự việc tương tự có thể xảy ra, cùng với việc nâng cao trách nhiệm giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ quan chức năng và các đoàn thể tại địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở mầm non để hạn chế tối đa tai nạn thương tích cho trẻ.