Nhận diện những nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ trong hè

GD&TĐ - Dịp nghỉ hè kéo dài là niềm vui của nhiều trẻ nhưng cũng có thể trở thành ‘ác mộng’ đối với một số phụ huynh.

Trẻ cần được trang bị kỹ năng cơ bản khi ở nhà một mình. Ảnh minh họa: INT.
Trẻ cần được trang bị kỹ năng cơ bản khi ở nhà một mình. Ảnh minh họa: INT.

Theo các chuyên gia, dù là ở nhà hay đi bất kỳ nơi đâu thì vấn đề an toàn cho trẻ cần được ưu tiên hàng đầu.

Tai nạn thường gặp khi ra ngoài

Kỳ nghỉ hè 2024 bắt đầu, với nhiều gia đình, đó là thời gian phải suy nghĩ tính toán để có thể quản lý con em mình, tránh xa những cạm bẫy, tai nạn như đuối nước, ngã cây, kể cả cạm bẫy khó lường từ mạng xã hội, hay món quà vặt đường phố không rõ nguồn gốc…

Từ những nỗi lo đó, với không ít đứa trẻ, đặc biệt là trẻ em sống ở đô thị, nghỉ hè là thời gian quanh quẩn trong nhà, làm bạn với tivi, smartphone…, bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em về quê, đi du lịch hay tham dự những trại hè quân đội, khóa tu tập… Rất nhiều nguy cơ khiến trẻ không có được sự an toàn nếu cha mẹ không trang bị kỹ năng cho con.

Cô Nguyễn Thị Thương - Trường THPT Thuận Thành (Bắc Ninh) cho hay, nếu kỳ nghỉ hè của con gắn liền với những chuyến du lịch cùng bố mẹ hoặc về quê ở với người thân thì cần lưu ý những nguy hiểm thường xảy ra.

Trước tiên là đuối nước. Kỳ nghỉ hè thường rơi vào thời điểm nắng đầu hè. Vì vậy, nhiều gia đình lựa chọn đi chơi ở những vùng biển, sông, suối, hồ. Trẻ nhỏ thường ham vui, ngâm mình dưới nước lâu, điều đó dẫn đến say nắng hoặc chuột rút gây ra đuối nước. Hoặc trẻ vì mải chơi nên bơi ra vùng nước quá sâu…

Để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc, cha mẹ chỉ nên cho con chơi ở nơi gần bờ, có người lớn trông giữ. Nên mặc áo phao cho trẻ hoặc dùng trang bị phao bơi. Phụ huynh cũng không nên chủ quan mà dùng phao bơi để đưa con ra tắm xa bờ.

Nếu gặp trường hợp sóng dồn dập và đánh úp, trẻ sẽ rất dễ bị cuốn ra xa và khó xử lý tình huống. Nhiều trường hợp trẻ về quê chơi gần khu vực ao hồ, sông ngòi cũng rất dễ bị đuối nước. Do đó, luôn dạy con các phương án đề phòng, phải có người lớn đi cùng hoặc dạy con bơi để phòng ngừa tai nạn này.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Kỹ năng ở nhà an toàn

Với việc phải “nhốt” mình trong nhà, trẻ cần được hướng dẫn về các nguy hiểm ngay từ chính trong các vật dụng hàng ngày.

Theo cô Nguyễn Thị Thương, trước tiên cần lưu ý về các nguồn điện. Nhiều trẻ bị điện giật tại nhà do không biết cách sử dụng điện an toàn. Vì vậy, để phòng ngừa điện giật cha mẹ luôn kiểm tra các đồ dùng bằng điện, che kín các ổ điện không cho trẻ nghịch. Hệ thống điện phải an toàn: Không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao.

Để đảm bảo an toàn, cần lắp đặt những thiết bị điện ở xa tầm với của trẻ, tránh sự tiếp xúc gần dễ xảy ra những sự cố. Cha mẹ cũng chủ động sử dụng những thiết bị điện thông minh, chuyên dụng có khả năng tự ngắt, hay dùng những thiết bị có nắp che phần ổ cắm cũng như để những món đồ nguy hiểm tránh xa tầm tay trẻ em. Ngoài ra, với các thiết bị điện trong nhà, cha mẹ nên sử dụng những biểu tượng cảnh báo để tạo thói quen cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, khu vực nhà bếp cũng cần được lưu ý để tránh gây tai nạn bỏng hi hữu cho con. Chủ yếu do trẻ sau khi chơi, khát nước uống nhầm vào nước nóng, khi ăn, uống, trẻ cũng có thể bị bỏng do thức ăn (canh, cháo, súp...) mang từ nhà bếp lên còn đang rất nóng, nếu không chú ý mà ăn, uống ngay sẽ gây bỏng cho trẻ. Có trường hợp trẻ bị bỏng do cháy, hoả hoạn…

Để phòng tai nạn cần bố trí bếp nấu ăn hợp lý, để bếp cao ngoài tầm với hoặc có vách ngăn không cho trẻ nhỏ tới gần.

Không để đồ vật đựng nước nóng trong tầm với trẻ em (nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống bô xe máy...). Khi bưng, bê nước nóng, thức ăn mới nấu chín phải chú ý: Tránh xa trẻ để không va đụng. Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống, nhiệt độ nước tắm rửa.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị tai nạn gây ngạt đường thở do tự nhét đồ chơi vào mũi, tai mình hoặc nhét vào tai bạn, mũi bạn. Các vật trẻ có thể nhét vào mũi, tai là hạt cườm, con xúc xắc, các loại hạt, quả nhỏ, thậm chí có trường hợp trẻ còn nhét cả đất nặn vào tai. Trẻ còn ngậm đồ chơi vào miệng và có thể gây rách niêm mạc miệng, gãy răng hoặc hít vào gây dị vật đường thở, nuốt vào gây dị vật đường ăn…

Để phòng tai nạn, không để trẻ nuốt hoặc nhét các vật gây tắc đường thở vào miệng, mũi. Cho trẻ ăn thức ăn đã nghiền nhuyễn, không lẫn xương, lẫn hạt. Để ngoài tầm với của trẻ các vật dễ nuốt như đồng xu, kim băng, cúc áo, hạt trái cây, lạc…

Không để trẻ nhỏ vừa ăn vừa cười đùa. Dạy trẻ không nên chơi trò dùng túi ni lông, chăn, gối để chụp lên đầu nhau và phân biệt các đồ chơi nguy hiểm khi đưa lên mắt, mũi, miệng,…

Trẻ con ưa khám phá, nên khi đi du lịch hoặc đến những môi trường mới, nơi đông người có thể dẫn đến bị lạc. Do vậy, trước khi đi chơi cha mẹ nên dặn dò con cẩn thận, không được đi theo người lạ nếu chưa có sự đồng ý và phải luôn bám sát cha mẹ. Ngoài ra, cũng nên dạy con những kỹ năng cần thiết nếu đi lạc, như học thuộc số điện thoại của cha mẹ để có thể liên lạc khi cần thiết, nhận diện người có khả năng giúp đỡ con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...