(GD&TĐ) - Ngày 23/9, tại Hà Nội, khoá đào tạo báo chí khoa học quốc tế kéo dài 2 năm lần đầu tiên dành cho 4 nước châu Á (SjCOOP Asia) - trong đó có Việt Nam - chính thức khai mạc.
Thảo luận về báo chí khoa học giữa các phóng viên khoa học kỳ cựu đến từ Indonesia, Úc, Canada và Việt Nam. |
Dự tuần lễ khởi động có 33 nhà báo khoa học đến từ Campuchia, Canada, Hà Lan, Indonesia, Philippines, Úc và Việt Nam.
Trong tuần này, các nhà báo sẽ chia sẻ các kinh nghiệm về viết báo trên các lĩnh vực nông nghiệp, sức khỏe, thực phẩm, năng lượng, môi trường, phòng tránh thiên tai và các vấn đề khoa học khác.
Jean Marc Fleury - PV khoa học kỳ cựu nhật báo Le Solei ở Quebec (Canada) và nguyệt san Quebec Science, trao đổi kinh nghiệm báo chí khoa học tại phiên khai mạc ngày 23/9 ở Hà Nội. Ông từng là GĐ Điều hành Liên đoàn Báo chí Khoa học Quốc tế (WFSJ), đoạt nhiều giải thưởng báo chí quốc tế. |
Tuần lễ trao đổi kinh nghiệm được tổ chức bởi Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) và Liên đoàn Báo chí Khoa học Quốc tế (WFSJ), có trụ sở ở Canada với 46 Hội báo chí khoa học thành viên ở khắp nơi trên thế giới.
Trong số 24 nhà báo được tuyển chọn từ 4 nước châu Á để tham gia SjCOOP Asia, Việt Nam có 8 phóng viên đến từ các báo: Tin Tức (thuộc TTXVN), Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Nông thôn Ngày nay, Pháp luật TP HCM và Đồng Nai.
Nhà báo Hoàng Quốc Dũng - Trưởng ban Tri Thức Trẻ, Báo Tiền Phong - được chọn làm đại diện cho VJA để thực hiện dự án đào tạo báo chí rất kén học viên này.
Trong tuần khởi động ở Hà Nội, các nhà báo sẽ được các phóng viên khoa học kỳ cựu khu vực và thế giới chia sẻ kinh nghiệm, đi thăm các viện nghiên cứu ở Hà Nội. Khoá đào tạo sau đó sẽ được thực hiện chủ yếu trực tuyến.
Một cuộc gặp trực tiếp kéo dài một tuần tiếp theo sẽ được tổ chức ở Indonesia. Kết thúc khóa đào tạo, tất cả các nhà báo học viên sẽ tham gia Đại hội Báo chí khoa học quốc tế lần thứ 9 diễn ra ở Hàn Quốc năm 2015.
QD