Hà Nội hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 3

GD&TĐ - Năm 2021, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, tăng 5 đơn vị so với năm 2020.

Hà Nội có 30/30 quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3
Hà Nội có 30/30 quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3

UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định công nhận các quận, huyện, thị xã của thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS năm 2021.

Cụ thể, Hà Nội có 30/30 quận, huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (năm 2020 có 25 đơn vị).

Như vậy, tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đều đạt chuẩn và duy trì phổ cập giáo dục ở mức cao nhất.

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TƯ ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn” trên địa bàn thành phố Hà Nội của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Hà Nội nằm trong tốp đầu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Hà Nội là một trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013, về đích trước 1 năm so với kế hoạch của thành phố và trước 2 năm so với toàn quốc. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn và các quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện thực hiện phổ cập cho trẻ 4 tuổi.

30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Có 30/30 quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Có 579/579 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về xóa mù chữ; 30/30 quận, huyện, thị xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Từ kết quả đạt được, Ban Thường vụ Thành ủy đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TƯ. Trong đó, tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về giáo dục - đào tạo tới các cấp ủy, chính quyền các cấp, tới đảng viên, nhân dân, cán bộ, giáo viên toàn ngành Giáo dục thành phố để nâng cao nhận thức về vai trò của công tác phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và đất nước.

Thời gian tới, ngành GD-ĐT Hà Nội chủ động xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp một cách hợp lý, tạo điều kiện cho học sinh được học tập trên các địa bàn; đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học. Xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm bảo số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp đã được phê duyệt bảo đảm duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ