Kì thi lạ lùng với nhiều bất cập
Đến ngày 25/11, tất cả các hội đồng thi tại 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều đã công bố điểm thi vòng 2 (bài thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành) của kì thi tuyển viên chức giáo dục 2019. Theo kết quả công bố, hầu hết 3000 giáo viên hợp đồng (GVHĐ) tại Hà Nội, nhiều người đã có thời gian công tác từ 5-25 năm đều... không đỗ.
Buồn bã nhận kết quả từ kì thi, thầy Nguyễn Viết Tiến- GVHĐ tại thị xã Sơn Tây cho biết: Việc các GVHĐ công tác lâu năm tham gia vào kì thi cùng với các thí sinh tự do mà không có bất kì ưu tiên nào đã là một bất cập. Tuy nhiên, mục tiêu của kì thi là tuyển chọn người tài cho ngành giáo dục thủ đô cũng không đạt được.
Hiện nay có rất nhiều thầy cô dở khóc dở cười vì đạt điểm cao (trên 90 điểm) mà vẫn trượt, trong khi đó các trường khác, huyện khác điểm thấp hơn mà vẫn đỗ. Cụ thể, cô Khuất Thị Nga được 94 điểm, cô Đỗ Thị Như Quỳnh được 92 điểm mà vẫn trượt vị trí giáo viên Vật lí trường THCS Sơn Đông vì trường chỉ có 1 chỉ tiêu và người điểm cao nhất là 95.
Tại trường Tiểu học Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ), cô Nguyễn Thị Hương đạt 79 điểm nhưng vẫn không đỗ vì đã có người đạt điểm cao hơn. Trong khi đó, nhiều trường khác trong huyện Phúc Thọ chỉ lấy điểm trúng tuyển từ 59-60 điểm. Nhiều thầy cô cho rằng việc giao chỉ tiêu xuống từng trường đã nảy sinh sự mất công bằng cho kì thi tuyển, không chọn được người tài thực sự.
Để tránh tình trạng bất cập này, các thầy cô cho rằng nên tổ chức thi và lấy chỉ tiêu trong toàn TP rồi xét điểm từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu. Như vậy mới tuyển chọn được hết người tài cho giáo dục thủ đô và không bỏ sót, bỏ phí nhân tài cho giáo dục và hơn hết, không làm cho những người điểm cao mà vẫn trượt gây bức xúc cho thí sinh dự thi và xã hội.
Trải qua 2 vòng của kì thi, một giáo viên tại Sóc Sơn bày tỏ: Khâu ra đề cũng chưa đánh giá hết được sự công bằng cho thí sinh. Vì có nhiều đề ở các mức độ khó, dễ khác nhau không phản ảnh hết được năng lực của giáo viên. Nên chăng TP ra chung một đề thì mới đánh giá năng lực của giáo viên một cách chính xác hơn.
Một giáo viên tại Phúc Thọ cho hay, khâu coi thi cũng chưa thật nghiêm túc vì tại hội đồng thi Phúc Thọ có hiện tượng thí sinh tại một phòng thi đã yêu cầu giám thị 2 ra hành lang nhắc giám thị 1 và các giám thị phòng bên không nói chuyện để ảnh hưởng đến việc làm bài của thí sinh trong phòng thi.
Một điều kỳ lạ của kì thi tuyển viên chức giáo dục năm nay là hiện tượng đề thi đến chậm do... tắc đường. Trong quy chế thi, giám thị gọi thí sinh vào phòng thi từ 7h30 và bắt đầu phát đề từ 8h. Tuy vậy, tại một số hội đồng thi diễn ra không đúng với quy chế thi.
Tại hội đồng thi Hoài Đức, thí sinh bắt đầu làm bài từ 9h45; tại Sóc Sơn từ 9h15, tại Bắc Từ Liêm từ 10h, tại Ba Đình từ 10h. Huyện Đan Phượng muộn nhất, tới tận 10h20 thí sinh bắt đầu được phát đề và phải làm bài xuyên trưa. Việc tổ chức một kì thi lạ lùng đã khiến rất nhiều người đặt ra câu hỏi về sự nghiêm túc, công bằng của kì thi.
Sẽ thêm biên chế để xét tuyển đặc biệt giáo viên hợp đồng
Theo thông báo của Sở Nội vụ Hà Nội, chỉ tiêu tuyển dụng viên chức năm 2019 của Hà Nội là 11.182 người. Đây là lần đầu tiên việc tuyển dụng được tổ chức bằng hình thức thi tuyển 2 vòng theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Vòng 1 thi trắc nghiệm trên máy tính với 2 nội dung: Kiến thức chung và ngoại ngữ. Vòng 2 thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Theo kế hoạch, tất cả các hội đồng thi đã công bố điểm bài thi viết vào ngày 24/11. Hội đồng tuyển dụng nhận đơn phúc khảo từ ngày 25/11 đến 9/12; chậm nhất ngày 13/12 sẽ công bố kết quả phúc khảo và ngày 20/12/2019 thông báo kết quả thi tuyển.
Đối với các quận, huyện tổ chức xét tuyển viên chức giáo dục năm 2019, thời gian xét tuyển diễn ra đến ngày 30/11/2019. Hình thức xét tuyển là sát hạch bằng phỏng vấn đối với nhân viên và thực hành giảng dạy đối với giáo viên. Điểm phần thi sát hạch được thông báo từ ngày 1/12 đến 5/12.
Thời gian giải quyết khiếu nại (nếu có) từ ngày 6/12 đến 15/12; chậm nhất ngày 20/12 sẽ thông báo kết quả sát hạch. Đối với cả hai hình thức tuyển dụng, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ hoàn thiện hồ sơ của các thí sinh trúng tuyển và hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng làm việc với thí sinh trúng tuyển từ ngày 21/12/2019 đến tháng 1/2020.
Cùng với đó, Hà Nội cam kết sẽ bổ sung đủ chỉ tiêu biên chế để triển khai thực hiện tuyển dụng đặc cách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Công văn số 9028-CV/VPTƯ ngày 11/3-2019; của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1480/VPCP-TCCV ngày 5-6-2019; của Bộ Nội vụ tại Văn bản số 5378/ BNV-CCVC ngày 5-11-2019 đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.