Tiết học trên tinh thần phát triển kỹ năng cho học sinh
Tiết dạy mẫu được tổ chức vào ngày 11/3 tại trường THPT Tây Hồ. Phát biểu trước chương trình, ông Lê Hồng Vũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong buổi sáng, Bộ GD&ĐT đã có buổi gặp gỡ đại biểu Quốc hội. Các vị đại biểu cho rằng, Chương trình GDPT năm 2018 có rất nhiều điểm ưu việt nhưng vẫn còn đó những khó khăn, thách thức với giáo viên như: chuyển đổi từ dạy kiến thức sang phát triển kỹ năng cho học sinh, soạn giáo án,... vì vậy, tiết dạy mẫu là một trong những phương pháp để khơi gợi cách suy nghĩ, cách thực hiện dạy học theo chương trình mới.
Giáo viên tham dự tiết dạy mẫu tại trường THPT Tây Hồ. |
Tiết học mẫu do thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng, giáo viên môn Toán, trường THPT Tây Hồ đứng lớp, cùng các em học sinh lớp 10A8. Chủ đề của bài học là “Luyện tập phương trình đường tròn” trong SGK môn Toán lớp 10, bộ Cánh Diều. Mở đầu tiết học, thầy Hoàng cho các bạn học sinh ôn tập lại kiến thức đã học bằng việc trả lời câu hỏi liên quan đến nội dung đã học; thực hiện các phiếu học tập theo nhóm trên lớp, các em học sinh sẽ nhận xét chéo bài tập của bạn bè trong lớp.
Đến phần 2, thầy giáo yêu cầu học sinh tự ra bài tập dựa trên lượng kiến thức đã học. Những bài tập này sau đó được trao đổi với các bạn trong lớp để cùng nhau giải toán. Thầy Hoàng là người hướng dẫn và đánh giá, cho điểm cuối học phần.
Trong phần 3, học sinh phải vận dụng kiến thức đã học để giải một bài toán về tình huống thực tế. Đây là bài tập về nhà, do đó, học sinh lần lượt trình bày cách giải, các bạn cùng lớp bổ sung để cho kết quả đúng cuối cùng. Trong cả ba phần, thầy giáo đều cho điểm cộng đối với những bạn và nhóm có câu trả lời đúng. Ở phần cuối, thầy giáo giao bài tập về nhà là tìm hiểu về định vị GPS và cách ứng dụng phương trình đường tròn vào hệ thống này.
Sau tiết học, thầy Nguyễn Văn Hoàng đã có những đánh giá về những ưu điểm của SGK toán lớp 10 so với sách cũ. “Tôi thấy có sự khác biệt hoàn toàn ở 2 bộ sách. Ở sách cũ, giáo viên nắm quyền chủ động, giáo viên sẽ cung cấp hoàn toàn kiến thức, học sinh lắng nghe và áp dụng kiến thức để giải quyết bài tập. Còn sách mới, tác giả đã viết để cho học sinh đọc được cả bộ sách. Khi đó, quyền chủ động lại chuyển về cho học sinh, các em phải chủ động tìm hiểu nội dung kiến thức. Khi lên lớp, các em cùng thảo luận, góp ý xây dựng bài. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn trước đó, các em thực hiện như thế nào và cuối cùng là chốt lại kiến thức”, thầy Hoàng nói.
Tuy nhiên, thầy Hoàng cũng băn khoăn, mặc dù kiến thức thực tế và đã được giảm tải nhưng vì chưa biết đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia có thực hiện theo hướng mới. Nếu kiến thức được giảm đi mà có thêm phần làm bài thi theo tình huống thực tế thì sẽ rất hay.
Các em học sinh được chủ động trong nhiều hoạt động tại lớp. |
Các em học sinh cũng có hứng thú, say mê hơn với phương pháp học tập mới. “Hôm nay chúng em lần đầu được áp dụng toán thực tế vào bài giảng nên dễ hiểu hơn. Có một số bạn giải sai nhưng thầy giảng lại chi tiết thì rất hiểu bài. Em rất thích phần bài tập số 3 tìm điểm I, vì bài dựa trên một tình huống chúng em thường gặp”, em Nguyễn Phương nói.
Còn với em Phương Thu Trang, tiết học theo sách mới có nhiều điểm thú vị. “So với học lớp 9, chúng em giờ đây phải tự tìm hiểu và chuẩn bị bài trước ở nhà. Khi lên lớp, thầy cô sẽ giải chữa bài và giải thích những phần mình chưa hiểu. Đối với làm việc theo nhóm ở nhà, em phát tờ phiếu cho các bạn, khi làm xong sẽ tổng hợp làm một bản cuối cùng trình bày trước cả lớp. Em rất thích phần trao đổi bài, mình được tự ra đề, làm bài do các bạn khác ra đề và nhận xét lẫn nhau”, Thu Trang cho hay.
Đánh giá sau tiết học
Sau tiết học mẫu, giáo viên đã có những cuộc trao đổi để nhận xét phương pháp dạy học, cách triển khai sách mới và góp ý để hoàn thiện hơn việc dạy học theo chương trình mới. Phần lớn các thầy cô đều đánh giá cao tiết học.
Cô Huệ, đại diện trường THPT Đông Anh cho biết, Chương trình GDPT năm 2018 và triển khai SGK mới đã tạo điều kiện cho giáo viên phát triển các hoạt động học tập và giúp học sinh phát triển các năng lực, phẩm chất. Tiết học mẫu đã cho giáo viên nhiều kinh nghiệm quý báu để tự “soi người, soi mình”. Giờ dạy đã gỡ rối cho rất nhiều thầy cô, dù cách bố trí chỗ ngồi trong lớp không thay đổi nhưng vẫn có những hoạt động rất hiệu quả.
“Hoạt động học sinh tự ra đề rất sáng tạo, có thể còn hay hơn cả hoạt động giải đề nhưng thời gian cho các em hơi ngắn nên chăng phải kéo dài thời gian hơn. Tôi cũng rất thích hoạt động nhận xét trong phiếu học tập, đây là việc không dễ. Nếu cho học sinh nhận xét về bạn chưa chắc học sinh đã nói ra được điều gì. Nhưng việc thầy Hoàng thiết kế được bài học mà học sinh có thể nhận xét, tôi rất ấn tượng”, cô Huệ nói.
Thầy Nguyễn Như Tùng chia sẻ tại buổi dạy mẫu. |
Thầy Nguyễn Như Tùng, Tổ trưởng tổ Toán trường THTP Phan Đình Phung cho rằng, tiết dạy mẫu đã thể hiện được tinh thần của Chương trình GDPT năm 2018, các hoạt động đã hướng tới sự chủ động của học sinh. “Các bài toán thực tế đã được đưa rất nhiều vào SGK mới. Hệ thống phiếu rất đa dạng, học sinh hoạt động hết công suất, ngay cả trước khi vào tiết học. Ngoài ra có thể ứng dụng thêm dạng bài tập câu hỏi điền khuyết và trắc nghiệm 4 lựa chọn, đúng sai hoặc ghép đôi để học sinh tư duy theo nhiều góc độ hơn”, thầy Tùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, có nhiều vấn đề khó khăn được giáo viên đặt ra như: công sức xây dựng bài giảng và nội dung tiết học, các kỳ thi theo chương trình mới sẽ đánh giá năng lực hay theo kiến thức kiểu cũ, tiếp nhận những kỹ thuật dạy học mới,...
GS.TSKH Đỗ Đức Thái giải đáp nhiều băn khoăn cho giáo viên. |
Có mặt tại buổi dạy mẫu, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng Chủ biên môn Toán SGK Cánh Diều đánh giá tổng thể tiết học rất thành công ở 3 ý chính: giáo viên đã hiểu nội dung cơ bản của bài học dưới góc độ của Chương trình GDPT 2018 yêu cầu; thầy giáo đã rất sáng tạo trong việc sử dụng các kỹ thuật dạy học, những giải pháp đó đã động viên và thực sự lôi cuốn các em học sinh tham gia vào các hoạt động học tập, đây là tiền đề căn cốt để phát triển năng lực cho học sinh; nhịp độ dạy học phù hợp với học sinh để các em nắm bắt được bài học tại lớp.
“Dự một giờ học như này rất bổ ích, cho chúng tôi cơ hội vàng để nhìn thấy cuốn SGK của mình trong thực tiễn được triển khai như thế nào. Điều đó giúp chúng tôi điều chỉnh để viết những cuốn sách tiếp theo tốt hơn”, thầy Thái cho biết.
Đồng thời GS.TSKH Đỗ Đức Thái đã giải đáp chi tiết những thắc mắc của thầy cô trong quá trình dạy học để tháo gỡ những khó khăn. Thầy Thái nhấn mạnh, điều cần cải tiến nhiều nhất là nội dung dạy học cần phải giảm tải hơn nữa, cố gắng chắt lọc để thực sự tinh giản. Giáo viên nên giới thiệu những kiến thức cốt lõi thì mới có thời gian, không gian để hình thành năng lực cho học sinh theo yêu cầu của SGK mới.