Cô và trò hóa thành nhân vật trong tác phẩm sách Ngữ văn 10 Cánh Diều

GD&TĐ - Tiết dạy mẫu trực tuyến Ngữ Văn 10 Cánh Diều được đánh giá sáng tạo, mới mẻ trong việc truyền tải kiến thức chương trình GDPT mới 2018.

Cô giáo và học sinh tham gia đóng vở Thị Mầu lên chùa
Cô giáo và học sinh tham gia đóng vở Thị Mầu lên chùa

Chiều ngày 2/3, cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy đã thực hiện tiết dạy mẫu trực tuyến hơn 200 điểm cầu Văn 10 sách Cánh Diều bài Thị Mầu lên chùa. Đây là tiết dạy học của cô và trò Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) được đánh giá sáng tạo, mới mẻ trong việc truyền tải kiến thức chương trình GDPT mới 2018.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy (Trường THPT Chu Văn An)

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy (Trường THPT Chu Văn An)

Là người tham gia trực tiếp tiết dạy mẫu, giáo viên Ngữ văn Nguyễn Thị Hương Thuỷ đánh giá chương trình mới khẳng định: “Chương trình GDPT mới có sự kế thừa và phát triển từ quá trình giáo dục. Chính vì sự tìm tòi, có thể chỉ mang tính chất cá nhân, kinh nghiệm của mỗi người trong quá trình dạy học cũng là yêu cầu để thúc đẩy việc chúng ta phải có một chương trình GDPT mới. Khi trao đổi với các thầy chủ biên, giáo viên chúng tôi hiểu được SGK muốn truyền tải điều gì trong từng bài học, từ đó thay đổi tư duy giảng dạy”

Theo ông Lê Đại Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An: “Ngay từ năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 nhưng Ban Giám hiệu nhà trường đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tập huấn cho thầy cô để biên soạn bài giảng theo giáo án, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Đồng thời, tập huấn thầy cô thực hiện chuyên đề. Ngoài ra, trong năm học này, Phòng GDPT của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã triển khai chuyên đề liên quan đến Chương trình GDPT mới, đầy đủ các bộ sách, buổi hôm nay là buổi thứ 2 mà trường THPT Chu Văn An phối hợp với Sở tổ chức trực tuyến giờ dạy văn mẫu lớp 10 Cánh Diều”.

“Đối với buổi dạy mẫu chúng tôi đã thực hiện theo chương trình này từ nhiều năm, đã tiếp cận với việc đánh giá năng lực của học sinh. Tiết dạy văn mẫu hôm nay với bộ môn văn được tổ chức theo hình thức mới, được đánh giá rất cao từ phía các giáo viên, nhà trường, thuận lợi đối với học sinh Chu Văn An có đầu vào cao, thầy cô cũng được tuyển chọn nhiều năm, trình độ tốt vì vậy việc tiếp cận không quá khó khăn với chúng tôi, như thường ngày các thầy cô giảng dạy, khi nhận nhiệm vụ triển khai cũng không vướng mắc”, ông Hải nhấn mạnh.

Chương trình GDPT mới giải phóng người dạy và giải phóng người học khi mục tiêu không đơn giản chỉ là hình thành kiến thức, đặt nặng kiến thức mà từ việc chúng ta chia sẻ, thảo luận kiến thức, kỹ năng thì điều quan trọng nhất có thể phát triển, phát huy được những năng lực cụ thể và có tính chất thực tiễn đối với học sinh.

GS.TS Đỗ Ngọc Thống

GS.TS Đỗ Ngọc Thống

Đánh giá về buổi dạy trực tuyến này, GS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên bộ sách Ngữ văn Cánh Diều cho biết: “Đứng ở góc độ người chủ biên sách giáo khoa chính những giờ dạy mẫu sẽ giúp chúng tôi biết được thầy cô giáo và các em học sinh đang gặp những khó khăn gì trong quá trình dạy và học theo chương trình GDPT mới. Từ đó có những điều chỉnh kịp thời. Những cuộc đối thoại mở giúp người soạn sách giáo khoa cũng như người giảng dạy sẽ có những suy nghĩ, trăn trở, trên thực tiễn giáo dục của học sinh làm sao việc giáo dục được hoàn thiện hơn.

Năm 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới từ lớp 10. Bộ GD&ĐT quy định, mỗi học sinh sẽ có 8 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài ra, học sinh sẽ lựa chọn 4 trong 9 môn học gồm: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Khi dạy chương trình mới, giáo viên sẽ phải có cách tiếp cận mới. Việc xây dựng bài giảng cũng sẽ khác với việc đọc - chép như trước đây. Học sinh cần được tương tác và thực hành nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ