Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp tử vong do uốn ván

GD&TĐ - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay thành phố đã có 24 trường hợp mắc uốn ván (tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Bệnh nhân mắc uốn ván được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân mắc uốn ván được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC

Trong đó, có 3 trường hợp tử vong (trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca tử vong).

Các chuyên gia cảnh báo, nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương, viêm phổi, co thắt thanh quản, động kinh, thuyên tắc phổi, suy thận nặng (suy thận cấp).

Chi phí điều trị ở bệnh nhân uốn ván khá tốn kém và mất thời gian, tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh có thể từ 2 tuần đến 3, 4 tháng điều trị.

Theo thống kê, các trường hợp uốn ván nhẹ chưa cần can thiệp thở máy chi phí 20 - 50 triệu đồng. Trường hợp thở máy và biến chứng liên quan bệnh lý tiềm ẩn như tim mạch, gan, thận, chi phí có thể lên đến 200 - 300 triệu đồng mà vẫn không thể cam kết hiệu quả điều trị.

Với uốn ván, khi có vết thương trên cơ thể, cần phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương. Không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm.

Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay. Sau đó, đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…

Việc tiêm phòng vắc-xin uốn ván được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em, trẻ vị thành niên và người lớn/người lớn tuổi. Liệu trình cơ bản gồm 3 - 4 mũi phụ thuộc vào khuyến cáo của từng quốc gia và sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

Ở trẻ em, vắc-xin uốn ván được sử dụng dưới dạng vắc-xin phối hợp giúp phòng ngừa thêm các bệnh lý khác có trong vắc-xin nhằm giảm số mũi tiêm và giảm đau cho trẻ. Điều quan trọng là trẻ cần được tiêm đầy đủ liệu trình vắc-xin uốn ván đúng thời gian để duy trì tình trạng miễn dịch chống lại bệnh.

Sau khoảng thời gian từ 5 - 10 năm nên tiêm nhắc lại để bảo vệ cơ thể bởi vắc-xin uốn ván không tạo ra miễn dịch bền vững suốt đời.

Người lớn chưa bao giờ tiêm vắc-xin uốn ván thì nên đến gặp bác sĩ để biết thêm thông tin. Người lớn bị các vết thương có nguy cơ cao bị uốn ván cũng nên được tiêm vắc-xin uốn ván mũi nhắc lại nếu như họ chưa được tiêm nhắc lại trong vòng 5 năm trước đó.

Ngoài ra, tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ ở độ tuổi sinh nở là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho cả mẹ và con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.