Hết cảnh chen chúc trẩy hội
Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) có lễ hội đông du khách và kéo dài nhất trong cả nước. Theo kế hoạch Lễ hội chùa Hương năm 2021 dự kiến diễn ra trong 3 tháng (từ 13/2 đến hết 5/5/2021).
Đến ngày 5/2, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được đảm bảo, chu đáo, công phu, trang trọng. Tuy nhiên, bắt đầu từ 0 giờ ngày 16/2, Hà Nội đã tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo để phòng chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, trung bình mỗi năm Lễ hội chùa Hương đón khoảng 1,5 triệu khách. Tổng thu tiền vé du khách đến tham quan ước tính khoảng hơn 110 tỷ đồng.
“Chỉ tính riêng những ngày Tết và Khai hội chùa Hương hằng năm đón khoảng 21 vạn khách về trẩy hội du xuân. Nếu dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, phải đóng cửa không đón du khách, lễ hội thất thu khoảng hơn 100 tỷ đồng nguyên tiền vé...”, ông Hiển thông tin.
Ông Hiển cũng cho biết, hiện có khoảng hơn 300 gian hàng phục vụ ăn uống cũng đã đóng cửa tại chùa Hương. “Việc đóng cửa di tích chùa Hương mùa lễ hội khiến nhiều người dân xã Hương Sơn mất đi nguồn thu nhập. Nhưng người dân đều nghiêm túc chấp hành quy định phòng dịch. Sức khỏe vẫn là yếu tố quan trọng nhất...”, ông Hiển nói.
Liên quan đến trường hợp vi phạm công tác phòng dịch Covid-19 vừa qua, ông Hiển cho biết, cơ quan chức năng đã xử lý hai trường hợp dẫn khách “chui” vào chùa Hương. Cùng với đó, huyện Mỹ Đức đã lập 9 chốt chặn ở xã Hương Sơn, và 1 chốt chặn lối tự mở của người dân.
“Lực lượng chức năng huyện Mỹ Đức túc trực 24/24 giờ tại khu vực Bến Yến, khu vực bán vé để vận động người dân quay về địa phương, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, Lễ hội chùa Hương sẵn sàng phục vụ du khách khi thành phố cho phép mở cửa trở lại”, ông Hiển nhấn mạnh.
Hội Gióng – Sóc Sơn hằng năm khai hội và kéo dài từ mùng 6 đến hết mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2010.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Nam Nho - Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Sơn cho biết, từ khi dịch Covid-19 trở lại số lượng du khách đến du lịch Sóc Sơn, đặc biệt là đền Sóc giảm đến 90%. “Lễ đón bằng công nhận điểm du lịch Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc bị hủy bỏ. Đền Sóc không đón khách từ mùng 4 Tết...”, ông Nho nói.
Theo ông Nho, khi thành phố cho phép mở cửa trở lại, khu di tích tăng cường sát khuẩn, bổ sung thường xuyên nước sát khuẩn, khẩu trang miễn phí. Phát loa tuyên truyền thường xuyên 100% du khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Thực hiện tốt công tác giãn cách không để khách tập trung quá đông…
“Thất thu của đền Sóc sau dịch Covid-19 năm 2021 chưa được thống kê nhưng là rất lớn. Đối với các gia đình đang có kế sinh nhai tại đền Sóc cũng bị ảnh hưởng rất nhiều so với năm 2020…”, ông Nho bày tỏ.
Tương tự, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng huyện Mê Linh cũng dừng tổ chức để phòng chống dịch Covid-19. Trước đó, UBND huyện Mê Linh dự kiến tổ chức lễ kỷ niệm 1.981 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2021 vào ngày mùng 6 tháng Giêng (tức 17/2).
Thông tin với báo chí, ông Lê Văn Khương – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, giấy mời tham dự sự kiện văn hóa trên huyện gửi đi. Tuy nhiên, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, địa phương đã thống nhất không tiếp tục tổ chức…
Dịp Tết giảm 50% so với cùng kỳ
Thông tin với Báo GD&TĐ, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 7 ngày Tết Nguyên đán (từ 29/12 đến 5/1 âm lịch - tức 10/2 đến 16/2 dương lịch), Hà Nội đón khoảng 122 nghìn lượt khách, đạt khoảng 50% lượng khách cùng kỳ năm 2020.
Theo đó, khách du lịch đến Hà Nội đạt thấp trong tình hình triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong nước và các địa phương sau khi đợt dịch trong cộng đồng đợt cuối tháng 1/2021. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội cơ bản không có.
Thời tiết nắng ấm cùng với dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, công tác phục vụ Tết được siết chặt, đảm bảo mọi điều kiện trong phòng chống dịch bệnh từ các cơ sở kinh doanh du lịch, Thủ đô Hà Nội tiếp tục thu hút du khách nội địa.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ 0 giờ ngày 16/2 thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố đã thực hiện đóng cửa tất cả các điểm du lịch, không thực hiện đón khách.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố đã tạm dừng hoạt động khi dịch bệnh bùng phát và chỉ mở cửa sau Tết âm lịch như: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tạm dừng đón khách đến ngày 11/2 (mùng 1 Tết).
Đối với các đơn vị tiếp tục mở cửa đón khách như Nhà tù Hỏa Lò, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích Làng cổ Đường Lâm, Đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, Làng nghề Sinh vật cảnh Hồng Vân… đều hủy không tổ chức các sự kiện, hoạt động dịp Tết âm lịch theo kế hoạch.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, dịp Tết chỉ còn một số ít các đơn vị vẫn tiếp tục tổ chức hoạt động sự kiện theo dự kiến. Như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tổ chức chương trình “Tân Sửu nghênh xuân” từ ngày 4/2 (tức 23 tháng Chạp) đến ngày 20/2 (tức mùng 9 Tết) nhưng thực hiện gọn nhẹ, tiết giảm nhiều hạng mục, đảm bảo chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.