Hà Nội điều tra vụ hàng chục học sinh ngộ độc thực phẩm

GD&TĐ - Tính đến 8 giờ ngày 29/3 đã có 73 học sinh vào viện. Hiện, tình hình sức khỏe của các bé đã ổn định.

Trường Tiểu học Kim Giang - nơi xảy ra vụ việc.
Trường Tiểu học Kim Giang - nơi xảy ra vụ việc.

Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Điều tra nguyên nhân

Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 28/3, Trường Tiểu học Kim Giang tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Khi về đến trường, khoảng 56 cháu có biểu hiện đau bụng, buồn nôn.

Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Món ăn gồm cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô. Thời gian ăn trưa lúc 11 giờ trong ngày.

Trong quá trình đi trải nghiệm, học sinh có mang theo đồ ăn vặt, nước uống từ nhà đi và sử dụng nước uống đóng chai 19L của trang trại Cánh Buồm Xanh. Khi về đến trường, lúc 14 giờ 30 phút, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn. 2 cháu có biểu hiện đi ngoài phân lỏng 2 - 3 lần.

Tính đến 8 giờ sáng 29/3 đã có 73 học sinh nhập viện. Hiện, tình hình sức khỏe của các bé đã ổn định. ThS.BS Phạm Văn Hưng - Khoa Cấp cứu nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị này tiếp nhận 38 học sinh.

Ngay khi trẻ nhập viện, bệnh viện huy động nhân lực thăm khám cho các cháu, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của trẻ. Một số học sinh mất nước khá nặng, đã được truyền dịch theo phác đồ. Hiện tại, đa số huyết áp ổn định.

Trong khi đó, ThS.BS Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đống Đa cho hay, lúc nhập viện, trẻ trong tình trạng mệt lả, nôn nhiều, một số em đi ngoài.

“5 bệnh nhi đầu tiên được xử lý cấp cứu, truyền dịch, truyền kháng sinh. Các cháu đã qua giai đoạn bệnh nặng, hiện tỉnh táo, sức khỏe hồi phục tốt”, ThS.BS Sơn cho biết.

Tổ điều tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã lấy mẫu nôn, mẫu thức ăn dã ngoại, mẫu thức ăn học sinh ăn tại trường lưu tại trường gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia. Đồng thời, cử một tổ phối hợp Phòng Y tế, Trung tâm Y tế Gia Lâm lấy mẫu cần thiết tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh.

Chi cục đã đề nghị bếp ăn tập thể Trường Tiểu học Kim Giang tạm dừng hoạt động để điều tra rõ nguyên nhân. Đồng thời, Công an quận Thanh Xuân cũng đã vào cuộc điều tra.

Dấu hiệu cần nhập viện

Chia sẻ về tình trạng ngộ độc thực phẩm, theo bác sĩ Đoàn Thu Hồng - Viện Y học Ứng dụng, thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện trong khoảng từ 30 phút đến 2 ngày sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm độc.

Thời gian xuất hiện sẽ khác nhau dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Có thể bao gồm các triệu chứng như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, đau quặn bụng, người mệt mỏi…

Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ khỏi bệnh mà không cần điều trị. Tuy nhiên, phụ huynh nên cho trẻ tới khám bác sĩ nếu bé có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng.

Trường hợp trẻ ăn uống vào mà vẫn bị nôn hoặc có dấu hiệu mất nước, phụ huynh có thể cần đưa con đến bệnh viện để truyền tĩnh mạch và điều trị tích cực.

“Đối với ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng do một số vi khuẩn gây ra, chẳng hạn như listeria, trẻ có thể dùng kháng sinh. Trẻ có thể cần lấy mẫu bệnh phẩm và làm xét nghiệm để xác định quy trình điều trị”, bác sĩ Hồng cho biết.

Song, đối với nhiều loại vi khuẩn, trẻ sẽ không cần dùng kháng sinh trừ khi hệ miễn dịch quá yếu. Trẻ cũng có thể uống thuốc trị ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng. Tuy nhiên, đối với virus, thì trẻ không cần dùng thuốc gì.

Bác sĩ Hồng khuyến cáo, cha mẹ nên cho trẻ tới khám bác sĩ nếu bé có những dấu hiệu mất nước như: Mê sảng, miệng khô hoặc dính, khát nước nhiều, mắt trũng sâu, ít hoặc không có nước mắt khi khóc, không có sức lực. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác gồm: Không đi tiểu hoặc đi tiểu ít, tim đập loạn nhịp, thóp trên đầu trẻ sơ sinh lõm vào trong…

Trong trường hợp triệu chứng của trẻ không cải thiện sau 24 giờ, cha mẹ cần đưa con tới gặp bác sĩ. “Hầu hết trẻ em sẽ hoàn toàn trở lại bình thường trong vòng 1 đến 5 ngày. Tuy nhiên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ trở lại trường học hoặc nhà trẻ. Nếu vẫn bị tiêu chảy, trẻ có thể lây nhiễm vi khuẩn cho những trẻ khác”, bác sĩ Hồng cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...