Kiến thức nằm trong chương trình
Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thuỳ Trang, học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm, nhận xét: Đề thi năm nay tương đối vừa sức, là những kiến thức nằm trong chương trình học lớp 9 và em được ôn luyện nhiều lần. Phần 1, bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” dễ học, dễ thuộc, nội dung giàu ý nghĩa.
“Ở phần 2 bàn về vấn đề "Sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn”, em mất thời gian để tìm dẫn chứng và luận điểm phân tích. Đề bài không khó nhưng em muốn tìm luận điểm đặc sắc, ấn tượng cho bài viết của mình”, Trang nói.
Có thế mạnh ở các môn Khoa học tự nhiên, Bùi Khắc Dũng, học sinh Trường THCS Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, chia sẻ: “Môn Ngữ văn khiến em lo lắng nhất và mong vào thơ hơn văn xuôi vì dễ phân tích. Em mong sẽ đạt 7-8 điểm cho môn thi này”.
Theo em Vũ Thu Ngọc, học sinh Trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, câu 3 phần 1: “Kể tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn cấp THCS cũng viết về mùa xuân, ghi rõ tên tác giả" là câu hỏi tốn nhiều thời gian suy nghĩ nhất. Học tập trung vào chương trình lớp 9 nên Ngọc phải để lại câu hỏi này. Đến khi hoàn thành các câu hỏi trong đề, em mới quay lại làm. Cuối cùng nữ sinh chọn tác phẩm “Mùa xuân của tôi” của tác giả Vũ Bằng nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 7.
“Phần 2 không quá khó. Ở câu 3, em đã gạch ra những từ khoá như “nuôi dưỡng”, “vẻ đẹp tâm hồn" để bám vào đó tìm dẫn chứng. Trước khi viết, em cũng vạch sẵn dàn ý để không sót thông tin. Em khá tự tin với bài thi môn Văn”, Ngọc nói và hy vọng sẽ làm tốt bài thi Tiếng Anh chiều nay.
Thí sinh có nhiều “đất diễn” với đề Ngữ văn
Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Duyên, Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) khẳng định: Học sinh có năng khiếu sẽ khó phát huy được năng lực, sở trường.
Đề thi có nhiều câu hỏi nhỏ lẻ, dễ cho học sinh lấy điểm, nhưng lại khiến những em có năng khiếu về văn học khó phát huy được năng lực, sở trường. Đề thi thiên về kiểm tra kiến thức, bố cục không khác một vài năm gần đây. Điều này vừa là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm.
Cụ thể, với cách ra đề truyền thông sẽ giúp thí sinh yên tâm làm bài và không bị sốc. Tuy nhiên, nhược điểm là ít sự sáng tạo và tư duy. Thậm chí, sẽ có thí sinh “trúng tủ”, dẫn đến những hiểu nhầm liên quan đến yếu tố lộ đề hoặc lọt đề.
Nhìn một cách tổng thể, đề thi có sự phân hoá, không đánh đố thí sinh. Với đề thi này, dự đoán phổ điểm dao động từ 5-7 điểm.
Với đề thi Ngữ văn tại Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2022 của Hà Nội cô Phạm Thị Huệ, giáo viên Trường THCS Chí Minh (Chí Linh, Hải Dương) cũng cho rằng thí sinh có nhiều “đất diễn”.
Theo cô Huệ, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội hay, có sự phân hoá. Các câu hỏi được chia nhỏ, bao quát kiến thức, tạo cơ hội cho học sinh lấy điểm.
Ở phần đọc hiểu, các câu hỏi bám sát kiến thức trong sách giáo khoa, ngữ liệu đều nằm trong chương trình đã học. Vì thế, học sinh chỉ cần chăm chỉ ôn tập là có thể đạt điểm tối đa ở phần này.
Sang đến phần II, đề thi có sự phân hoá theo từng cấp độ. Câu cuối cùng của phần này thể hiện sự phân hoá rõ nét, khi yêu cầu thí sinh viết suy nghĩ về sự cần thiết nuôi dưỡng tâm hồn.
Đây là câu hỏi hay, có tính thời sự, nhất là trong thời gian qua nhiều học sinh có những biểu hiện không tốt về tâm lý học đường. Ở câu này, những học sinh khá, giỏi sẽ có nhiều “đất diễn” và đạt điểm cao. Những thí sinh có học lực trung bình, chỉ cần nắm chắc cách thức triển khai một bài văn nghị luận, bám sát yêu cầu của câu hỏi có thể “ăn điểm”.