Hà Nội: Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong trường học

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Hội nghị giao ban UBND thành phố Hà Nội tháng 4/2019, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã báo cáo công tác an toàn thực phẩm, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước trong trường học.

Hà Nội: Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong trường học

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 1.700 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh, trung bình một ngày toàn TP phục vụ khoảng hơn 800.000 suất ăn. Hàng ngày, các cơ sở GD trên địa bàn TP phục vụ trung bình gần 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1-4 bữa/ngày theo đặc thù từng trường.

Các cơ sở GD đều tuân thủ các điều kiện theo quy định về ATTP như: Đảm bảo các thủ tục pháp lý, có hợp đồng cung ứng thực phẩm an toàn, thực hiện khám sức khỏe cho người trực tiếp liên quan đến thực phẩm, tập huấn để có kiến thức về ATTP, tự cam kết đảm bảo ATTP. Nhiều đơn vị trường học đảm bảo bếp ăn một chiều, phương tiện dụng cụ không thôi nhiễm, đảm bảo điều kiện kho bảo quản thực phẩm.

Hầu hết các trường đã thực hiện nghiêm túc chế độ giao nhận thực phẩm, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn và thực hành vệ sinh của người tham gia chế biến thực phẩm. Việc nhận thực phẩm hàng ngày đều có sự giám sát của dại diện cha mẹ HS.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế như cơ sở vật chất tại một số nhà trường đã xuống cấp, khu chế biến sắp xếp chưa gọn gàng, sạch sẽ hoặc cơ sở chật hẹp bếp không bố trí một chiều, thiếu lưới chắn côn trùng. Một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập cải tạo từ nhà ở nên bếp ăn không đảm bảo quy chuẩn.

Một số địa phương chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường có tổ chức bán trú cho học sinh nên một số trường không có khu bếp, phải nấu ở địa điểm khác, sau đó vận chuyển đến trường, khó kiểm soát quá trình vận chuyển.

Một số nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, cô nuôi ý thức thực hành ATTP chưa cao. Còn xảy ra sự cố ATTP tại một trường mầm non và một trường tiểu học, còn có vụ việc báo chí phản ánh liên quan đến vệ sinh thực phẩm, nước uống.

Thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường đảm bảo các thủ tục pháp lý về ATTP, đảm bảo cung ứng thực phẩm an toàn, chú trọng việc giám sát truy xuất nguồn gốc thực phẩm, duy trì công khai thực đơn, thực phẩm hàng ngày. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước triển khai hướng dẫn các cơ sở GD thực hiện công tác đảm bảo ATTP trong trường học, phối hợp kiểm tra, giám sát.

Quang cảnh hội nghị
 Quang cảnh hội nghị

Về công tác an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ quan công an cùng cấp triển khai phù hợp với thực tiễn tình hình của địa phương, đảm bảo kịp thời xử lý các vụ việc trong và ngoài nhà trường làm mất an toàn, an ninh trường học.

Tiếp tục phối hợp với Công an TP chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời trao đổi các thông tin về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kích động cán bộ, nhà giáo, HS tham gia vào các hoạt động phức tạp. Thông báo kịp thời với nhà trường các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến HS, cán bộ, giáo viên để cùng phối hợp, xử lý.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xử lý, đình chỉ hoạt động các hàng quán không phép, điểm trông giữ xe trái phép, các cửa hàng internet xung quanh trường học theo quy định. Trước mắt, Sở sẽ triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối trong đợt tuyển sinh và kì thi năm học 2019-2020.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, tình hình an ninh trật tự trong trường học trên địa bàn Hà Nội vẫn còn hạn chế cần khắc phục. Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa được giải quyết triệt để.

Một số phụ huynh học sinh vẫn giao xe phân khối lớn cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe. Vẫn còn học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Tình trạng bạo lực học đường tuy đã được kiềm chế những vẫn xảy ra phức tạp tại một số địa phương, cơ sở GD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ