Cây đổ lộ cách làm cẩu thả
Tại Hà Nội, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, từ đêm 27 đến ngày 28/7, khoảng 1000 cây xanh lớn, nhỏ bị gãy đổ gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đáng chú ý, trong đó có những tuyến đường mới trồng thay thế cây xanh đã bị đổ rất nhiều như đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Kim Giang… Những cây lát hoa, sấu, muồng, vừa trồng cách đây vài tháng, tán chưa rộng đã bị bật tung gốc, để lộ phần hố nông, rễ cụt không bám sâu được vào đất.
Một cây bật đổ để lộ bầu trên đường Kim Giang sau cơn bão số 1.
Chứng kiến những gốc cây còn cả bọc, nhiều người dân ngao ngán cho rằng lực lượng công nhân đã quá cẩu thả khi trồng cây.
Bởi lẽ ra, lực lượng công nhân phải mở lưới trước khi cho đất vào, khi thực hiện công đoạn này xong, tiến hành chống cây trước khi tháo móc cẩu. Thế nhưng, các cây bị bật đã vô tình tiết lộ việc trồng cây vẫn còn để bọc.
Theo một số chuyên gia, việc trồng cây không tháo bầu lưới khiến cây không bén rễ. Hơn nữa hố trồng cây phải đạt đủ độ sâu, độ rộng cùng với việc sử dụng kèo chống gió thì mới có thể giúp cây không bị di chuyển, bén rễ và phát triển nhanh.
Đây không phải là câu chuyện mới, khoảng tháng 6/2015, dư luận cũng xôn xao với câu chuyện cây xanh bật gốc lộ nguyên bọc nilon…
Cây lộ nguyên bầu trên đường Dương Đình Nghệ - (Ảnh: TĐ).
Công ty cây xanh không trồng những cây đó
Chiều 29/7, trao đổi với PV báo Người đưa tin về việc này, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khẳng định, đơn vị không trồng những cây có nguyên bầu như thế.
Theo lãnh đạo công ty này, có rất nhiều đơn vị trồng cây chứ không riêng chỉ có công ty. Việc quản lý cũng không chỉ riêng công ty mà quản lý theo phân cấp.
“Việc trồng cây không riêng chỉ mình Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đảm nhiệm mà có đến 16, 17 đơn vị. Chúng tôi khẳng định những cây do công ty trồng đảm bảo đúng quy trình của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng. Còn việc cây lộ nguyên bầu phải xem ở đoạn nào, đường nào…” – lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội nói với PV.
Bầu lưới còn nguyên - (Ảnh: TĐ)
Trả lời câu hỏi về việc có bị động trong công tác đối phó bão số 1 hay không? Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho hay: Đơn vị đã có kế hoạch phòng chống bão số 1 gửi về TP và các cơ quan chức năng trước khi bão về.
“Sau khi cơn bão số 1 đổ bộ, Công ty cũng đã huy động sức lực, tập trung 100% cán bộ nhân viên và máy móc làm việc 24/24 để dọn dẹp đảm bảo cảnh quan của TP” – Vị lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thông tin.
Ngoài ra theo thống kê chưa đầy đủ của công ty, trong đợt bão số 1 đã có khoảng hơn 1000 cây bị gãy đổ.
Những xanh mới trồng bật gốc trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Hà Đông).
Gốc cây như chỉ được vùi qua.
Cây trồng quá nông khiến dễ dàng bị bật gốc khi có gió lớn (Ảnh: Nhất Nam).
Tiến sĩ Nguyễn Nguyên Cương - Giám đốc Trung tâm Giáo dục, Truyền thông và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đưa ra nhận định cho rằng: “Do các quy trình chúng ta làm chưa đúng. Thứ nhất do trồng nông, thứ hai xác định mùa mưa bão ở miền Bắc rơi vào tháng 7 đến tháng 11 nhưng tháng 6 thì chúng ta đi trồng cây. Mỗi gốc cây con cần có 4 cái cọc xung quanh để giữ, như vậy, cả Thủ đô này, có được mấy cây con trồng mà được bảo vệ bằng 4 cọc trụ xung quanh?"
Phía Công ty Công viên cây xanh cần có những cách bảo vệ các loại cây ở mỗi lứa tuổi khác nhau. “Ví dụ, phân loại những cây có độ tuổi trên 100 năm bảo vệ kiểu khác, những cây quá độ tuổi trung niên (70, 80 tuổi cây) lại có cách bảo vệ khác thì mới giảm được thiệt hại ở mức thấp nhất”, ông nhấn mạnh.