Hà Nội: chuẩn bị đưa ra xét xử 11 cán bộ ngân hàng sai phạm

Hà Nội: chuẩn bị đưa ra xét xử 11 cán bộ ngân hàng sai phạm
11 đối tượng này đã chiếm đoạt một số tiền lớn (ảnh minh họa)
11 đối tượng này đã chiếm đoạt một số tiền lớn (ảnh minh họa)

Theo tài liệu hồ sơ vụ án, bị cáo “đầu vụ” là Trần Lệ Thủy (sinh năm 1969), nguyên Thủ quỹ của Quỹ Tiết kiệm số 1 thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Thái Bình từ năm 2003 đến tháng 7/2004. Từ tháng 8/2004 đến 4/2008, Thủy chuyển sang làm giao dịch viên Phòng Dịch vụ ngân hàng BIDV Đông Đô. Trên những cương vị này, Trần Lệ Thuỷ đã cấu kết với một số người thân trong gia đình, bạn bè và một số cán bộ thuộc Ngân hàng Vietcombank (VCB) Thành Công, nhằm chiếm đoạt tiền của các ngân hàng.

Thủ đoạn của các đối tượng được cơ quan điều tra làm rõ như sau: Trần Lệ Thuỷ với trách nhiệm trực tiếp quản lý tài sản cầm cố là các giấy tờ có giá, như giấy chứng nhận tiền gửi, đã “đạo diễn” để Trần Chí Dân (là công nhân Nhà máy In sách giáo khoa Đông Anh), Trần Thị Huyền (trú tại tổ 26, phường Đề Thám, Thái Bình) bàn bạc, sửa chữa, tráo đổi, làm giả giấy chứng nhận tiền gửi, giấy tờ giải chấp, xác nhận khống số dư trên giấy chứng nhận tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của VCB Thái Bình và VCB Thành Công, đem thế chấp tại Quỹ Tiết kiệm số 1 BIDV Thái Bình và BIDV Đông Đô để chiếm đoạt tiền. Trong “thương vụ” này, 3 đối tượng trên đa “ẵm” trót lọt 29,5 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, với vai trò cầm đầu, Trần Lệ Thuỷ còn lôi kéo, chỉ đạo và cùng các đối tượng là Trần Chí Dân, Nguyễn Thị Thu (30 tuổi, Phó trưởng phòng Giao dịch I, VCB Thành Công), Thái Thị Yên (40 tuổi, trú tại Phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) và Ngô Thị Thanh Huyền (32 tuổi, trú tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội) sửa chữa, làm giả 23 giấy chứng nhận tiền gửi, lập khống 8 giấy đề nghị xác nhận kiêm phong toả giấy tờ có giá... để gửi làm thủ tục vay tổng cộng trên 260,5 tỷ đồng tại BIDV Đông Đô.

Những hành vi vi phạm pháp luật này kéo dài trong một thời gian dài. Vụ việc chỉ dần dần hé lộ khi tháng 4/2008, BIDV Việt Nam và BIDV chi nhánh Đông Đô phát hiện khuất tất trong những giao dịch này và có công văn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội vào cuộc làm rõ nghi vấn một số cán bộ thuộc BIDV Đông Đô cấu kết với một số cán bộ ngân hàng khác và người ngoài xã hội, để làm giả sổ tiết kiệm đem thế chấp vay, sau đó chiếm đoạt tiền của BIDV Đông Đô với số lượng lớn.

Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ, sau khi chiếm đoạt số tiền lớn, các bị cáo trong vụ án đã đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, vàng và tiêu xài cá nhân, hiện mới khắc phục được một phần hậu quả. Cụ thể, trong số tiền 260,5 tỷ đồng mà các bị can chiếm đoạt, cơ quan điều tra đã thu hồi và trao trả BIDV số tiền 74,8 tỷ đồng; trong vụ 9,9 tỷ đồng các bị can đã trả 2,2 tỷ đồng; đối với số tiền 33 tỷ đồng các bị can đã trả được 30,2 tỷ đồng.

Như vậy, trong vụ án này, 11 bị can đã bị Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội truy tố với 2 nhóm tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản, với số tiền được xác định là hơn 204 tỷ đồng. Theo cáo trạng, Trần Lệ Thủy cùng Trần Chí Dân, Nguyễn Thị Thu, Ngô Thị Thanh Huyền phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền 174,5 tỷ đồng. Thái Thị Yên cùng với Thủy, Dân, Thu, Huyền chịu trách nhiệm trong số tiền 9,9 tỷ đồng. Trần Thị Huyền cùng với Thủy, Dân phải chịu trách nhiệm với số tiền 33 tỷ đồng.

Các bị can khác có liên quan đến vụ án cũng bị truy tố trước pháp luật. Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, các bị can Vũ Khắc Thành (nguyên Phó giám đốc BIDV Đông Đô), Hoàng Trung Thông (nguyên Phó trưởng phòng Dịch vụ khách hàng BIDV), trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hành vi này đủ cơ sở để cấu thành tội danh “vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ