(GD&TĐ) – Từ ngày 1/1/2011 tới đây Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về in phát hành, sử dụng hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ sẽ có hiệu lực. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tự in, đồng thời cùng lúc sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau; trong đó, nhà nước khuyến khích hình thức hóa đơn điện tử, tự in hoá đơn nếu đủ điều kiện...
Theo ông Phi Văn Tuấn, không nên dùng từ “hóa đơn đỏ” nữa, mà chỉ nên gọi là hóa đơn liên 1, liên 2, liên 3 có logo của công ty… |
Với Nghị định 51, trách nhiệm quản lý hóa đơn đã được chuyển giao về phía doanh nghiệp, không còn là của cơ quan thuế như lúc bán hóa đơn của Bộ Tài chính phát hành. Các doanh nghiệp cần lên kế hoạch in hóa đơn ngay từ tháng 10/2010.
Các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt lưu ý về số lượng mua hoặc đặt in hóa đơn sử dụng từ nay đến hết năm 2010 để tránh lãng phí vì sau ngày 31/12, những hóa đơn này sẽ hết giá trị và phải thanh hủy. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị thiết kế mẫu hóa đơn cho phù hợp, có những phương án về bảo mật để có thể quản lý một cách tốt nhất, tránh bị giả mạo.
Thuế từ các hộ kinh doanh cá thể chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng thuế của cả nước. |
Tuy nhiên, hiện nay nhiều câu hỏi được đưa ra, nếu như doanh nghiệp có thể tự in hóa đơn, như vậy sẽ có nhiều loại hóa đơn trên thị trường, như vậy việc quản lý sẽ rất khó khăn. Cùng đó, người dân rất khó phát hiện xem hóa đơn đó là thật hay giả…
Ông Phi Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, Cục Thuế Hà Nội đã chuẩn bị cho việc tuyên truyền về Nghị định 51 từ giờ đến cuối năm. Các doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc in, phát hành hóa đơn. Trên những hóa đơn đó sẽ có hóa đơn của các công ty. Nếu cá nhân, tổ chức nào in hóa đơn giả sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới các doanh nghiệp đều tự in hóa đơn, và họ có sự liên thông rất chặt chẽ với cơ quan thuế vụ. Ví dụ, khi cửa hàng nào đó bán cho khách hàng 1 chiếc áo, họ in hóa đơn, tức khắc những thông tin đó sẽ được chuyển về cơ quan thuế, như vậy sẽ tạo sự thuận lợi rất lớn tới cơ quan thuế.
Ông Phi Văn Tuấn cũng cho biết thêm, hiện nay, việc quản lý đối với những hộ kinh doanh cá thể chỉ chiếm tới chưa tới 10% giá trị thuế nhưng quản lý rất khó khăn và tốn kém. “Có khi cán bộ thuế phải đến túc trực tại cửa hàng đó để đếm, xem xét hóa đơn, chứng từ. Như vậy, các bộ thuế rất dễ bị vu khống cho những điều không tốt... Vì thế, cán bộ thuế thường phải gọi “ông thổ địa” ở khu vực đó đi cùng mỗi khi đi thu thuế của những cửa hàng có tiền lệ…” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Nghị định 51 của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2010 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thay thế cho Nghị định 89 (ban hành năm 2002) sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2011. Nghị định này được đánh giá sẽ thay đổi toàn bộ nhận thức và thực hiện về hóa đơn chứng từ trên toàn quốc. |
Quang Anh