Hà Nội chủ động phương án triển khai Chương trình mới với lớp 3, 7, 10

GD&TĐ - Năm học tới, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Tại Hà Nội, công tác chuẩn bị cho các khối lớp này đang được thực hiện tích cực, chu đáo.

Giáo viên Trường THCS Chương Dương tập huấn sách giáo khoa lớp 7
Giáo viên Trường THCS Chương Dương tập huấn sách giáo khoa lớp 7

Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc

Ghi nhận tại Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), công tác chuẩn bị cho việc thực hiện sách SGK lớp 7 đang được thực hiện kỹ lưỡng, khẩn trương. Nhà trường đã và đang tích cực phổ biến cho học sinh, cha mẹ học sinh biết về chương trình GDPT 2018. Qua đó, giúp học sinh, cha mẹ các em có bước chuẩn bị cho việc chọn lựa môn học tự chọn.

Trong các ngày giữa tháng 7, giáo viên trường THCS Chương Dương đã tích cực tham gia tập huấn chương trình sách giáo khoa lớp 7 mới. Dù thời gian tập huấn ở mỗi phân môn không nhiều, chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày nhưng các thầy cô giáo đã được lắng nghe những chia sẻ rất khoa học, chắt lọc và nhiệt tình từ các chuyên gia đầu ngành để từ đó mỗi thầy cô hình dung và hiểu rõ hơn về chương trình sách giáo khoa cho năm học tới.

Nội dung chủ yếu mà các thầy cô được chia sẻ trong các buổi bồi dưỡng này là cấu trúc của chương trình sách giáo khoa mới, cấu trúc của từng bài học cụ thể, các điểm mới của sách giáo khoa mới so với chương trình cũ và điểm liên tục, điểm tiếp nối từ chương trình lớp 6 mới.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2008 đã được triển khai đối với các khối lớp 1, 2, 6 từ năm học 2020-2021. Thực tế cho thấy chương trình và sách giáo khoa khá thuận lợi cho giáo viên trong việc tổ chức dạy học. Nội dung chương trình tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có thể chủ động trong tổ chức các hoạt động dạy và học.

Các thầy cô còn được giải đáp những băn khoăn, vướng mắc, được cùng nhau thảo luận, tìm hiểu về phương pháp dạy học. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng được lắng nghe, được chia sẻ và thảo luận về phương pháp dạy học, các kế hoạch bài dạy và các video bài dạy minh họa. Qua các buổi tập huấn, mỗi thầy cô có thêm những sự chuẩn bị về phương pháp sẵn sàng chào đón năm học mới.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở hai cấp học trên thực tế còn tồn tại một số khó khăn nhất định. Tất cả những khó khăn, bất cập đều được lãnh đạo Sở, Phòng, nhà trường nắm bắt và đưa ra phương án tháo gỡ kịp thời như về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, công tác chuyên môn... để chuẩn bị triển khai Chương trình mới cho khối lớp 3, lớp 7 trong năm học tới.

Hiện nay, ngành GD-ĐT Hà Nội tập trung chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 cho các khối lớp 3, 7, 10 vào năm học 2022-2023. Trong khi các khối lớp khác đã đi vào nền nếp thì việc triển khai chương trình mới ở lớp 10 còn gặp một số khó khăn.

Ý thức được những khó khăn khi triển khai Chương trình ở cấp THPT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chủ động hướng dẫn, định hướng công tác chuẩn bị thông qua các hội thảo, hội nghị giao ban hiệu trưởng. Các trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là dự kiến các tổ hợp môn học chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, tổ chức dạy học cho năm học mới.

Trường THPT Kim Liên tổ chức họp phụ huynh tuyên truyền về việc lựa chọn tổ hợp, thăm dò nguyện vọng của học sinh theo các ban

Trường THPT Kim Liên tổ chức họp phụ huynh tuyên truyền về việc lựa chọn tổ hợp, thăm dò nguyện vọng của học sinh theo các ban

Sẵn sàng triển khai chương trình lớp 10

Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, chất lượng giáo dục không đồng đều ở các địa phương, quy mô dân số không ngừng gia tăng, Hà Nội cũng gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai như thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, triển khai các tổ hợp môn lựa chọn…Tuy nhiên, các trường tại Hà Nội đều đã sẵn sàng và có nhiều phương án chủ động để triển khai Chương trình GDPT mới cho khối lớp 10.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) chia sẻ: Để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã nâng cao nhận thức của giáo viên về chương trình mới về tính ưu việt của chương trình, tính tất yếu phải thực hiện chương trình mới.

Cùng với đó, nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất đội ngũ giáo viên, xây dựng cấu trúc chương trình nội dung giáo dục theo các tổ hợp. Để học sinh lựa chọn các tổ hợp, các nhà trường trong cụm Đống Đa đã bàn bạc và xây dựng các tổ hợp tối ưu nhất để đưa các phương án phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thế mạnh các trường trong nội dung giáo dục để học sinh và phụ huynh nghiên cứu và lựa chọn.

Bà Lương Quỳnh Lan- Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây (TX Sơn Tây) cho biết, nhà trường đã sẵn sàng đón nhận chương trình giáo dục phổ thông mới, phổ biến tất cả giáo viên tổ chuyên môn. Khi triển khai chương trình mới, có thể đội ngũ giáo viên sẽ thừa thiếu cục bộ. Do đó, nhà trường dự kiến đưa ra các tổ hợp, tư vấn giúp học sinh lựa chọn tổ hợp tối ưu nhất.

Ông Nguyễn Quốc Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh) thông tin: Tất cả giáo viên trong trường đang trong tâm thế sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10. Để chuẩn bị cho việc triển khai dạy học lớp 10 theo chương trình mới, trường đã xây dựng nhiều tổ hợp để học sinh lựa chọn phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp. Về việc môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc thay vì tự chọn như trước, nhà trường đã tổ chức lại buổi tư vấn chọn tổ hợp cho phụ huynh, học sinh, lên kế hoạch triển khai, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Bắt đầu từ tháng 6/2022, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với các nhà xuất bản triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa các lớp 3,7, 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông mới. Tất cả các tài liệu, dữ liệu trên đều được đưa lên mạng để cán bộ quản lý, giáo viên có thể chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, tự tập huấn về sách giáo khoa các môn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ