Khắc phục khó khăn
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên học sinh (HS) khối lớp 2 và lớp 6 trên cả nước học tập theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT). Đối với các trường thuộc vùng khó như huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), năm học vừa qua cũng chứng kiến những nỗ lực không ngừng của cả thầy và trò khi thực hiện theo chương trình mới.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các trường khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, đó là trang thiết bị, đồ dùng học tập. Nhiều trường học phải tận dụng trang thiết bị sẵn có để khắc phục tình trạng này.
Về đội ngũ giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vẫn chưa có giáo viên (GV). Vì vậy, các trường phải huy động giáo viên (GV) bộ môn Sinh học, Vật lý và Hóa học để giảng dạy môn Khoa học tự nhiên. Trong khi đó, với môn Lịch sử và Địa lý hiện đang phải sử dụng đồng thời 2 GV có chuyên môn về Lịch sử và Địa lý để giảng dạy.
“Đặc biệt là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp từ hiệu trưởng, hiệu phó đến GV thể chất phải học thêm về hướng nghiệp để dạy cho các em. Đồng thời, mời thêm các chuyên gia bồi dưỡng cho GV để tiếp cận nhanh hơn với chương trình mới”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, năm học vừa qua, Lang Chánh là địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Chỉ duy nhất Trường THCS Lâm Phú phải dừng học một tháng để phòng dịch. Sau thời gian này, nhà trường đã tổ chức dạy phụ đạo để bù lấp “lỗ hổng” kiến thức cho HS.
Về công tác tuyển sinh đầu cấp, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh cho biết, đã triển khai nội dung này tới các trường trên địa bàn. Đồng thời, thông báo cho phụ huynh HS về thời gian, địa điểm và hình thức tuyển sinh.
“Năm nay có điểm mới là tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên chúng tôi vẫn thành lập ban chỉ đạo tuyển sinh các lớp đầu cấp. Mục đích là muốn huy động hết các cháu trong độ tuổi ra lớp, nhất là trẻ nhà trẻ”, ông Sơn cho hay.
Năm học 2021-2022, Trường TH&THCS Trí Nang (Lang Chánh, Thanh Hóa) có tổng số 357 HS. Trong đó, HS khối Tiểu học có 228 em với 15 lớp, HS khối THCS gồm 4 lớp với 129 em.
Tiếp cận Chương trình mới đồng thời ở cả lớp 2 và lớp 6, nhà trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn để đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Theo thầy Đỗ Đông Hòa – Hiệu trưởng nhà trường, năm học vừa qua nhà trường đã từng bước tháo gỡ khó khăn từ việc tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học sẵn có.
“Do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, vì vậy nhà trường đã tận dụng hết mức, đảm bảo những cái tối thiểu nhất cho các em. Trong số các môn học, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thu hút HS nhất”, thầy Hòa chia sẻ.
Trong thời gian nghỉ hè, Ban giám hiệu Trường TH&THCS Trí Nang cũng đẩy mạnh các hoạt động hè như giáo dục kỹ năng sống cho HS thông qua các hoạt động như: Dạy bơi, võ thuật…
“Với những phụ huynh có nguyện vọng gửi gắm con em dịp hè, GV cũng đã sắp xếp 3 buổi/tuần để củng cố kiến thức cho các em các môn Toán, Tiếng Việt”, thầy Hòa nói.
Phát huy được năng lực học sinh
Năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với khối lớp 6 song thầy và trò Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa) đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà – Hiệu trưởng nhà trường, đội ngũ GV dạy chương trình mới lớp 6 của nhà trường đều là những GV cốt cán của thành phố. Vì vậy, quá trình tiếp cận chương trình mới khá nhanh và không gặp quá nhiều khó khăn.
Sau một năm giảng dạy môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018, cô Trần Thị Chung (GV Trường THCS Minh Khai) đánh giá: Chương trình mới hướng tới việc phát triển năng lực và phẩm chất của HS, do đó HS sẽ phải làm việc nhiều và phải thực sự chủ động trong việc học.
“Chương trình mới cũng phân loại được đối tượng HS. Với những em tư duy tốt, có kỹ năng sẽ phát huy và ngược lại…Với cá nhân mình, tôi nhận thấy chương trình mới giúp HS tiếp cận được sự phát triển của đất nước và xu hướng của thế giới, giúp các con cũng phát huy được năng lực của mình.
Tuy nhiên, cũng đòi hỏi GV phải có năng lực, nắm được phương pháp mới và bổ sung kiến thức liên tục…”, cô Chung chia sẻ.