Hà Nội chỉ đạo nóng vụ 14 dự án treo tại Mê Linh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chủ tịch TP.Hà Nội yêu cầu khẩn trương chấm dứt, tạm dừng 14 dự án chậm triển khai thuộc danh mục sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại Mê Linh.

Hà Nội chỉ đạo nóng vụ 14 dự án treo tại Mê Linh

Văn phòng UBND TP.Hà Nội vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện 64 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, qua kiểm tra, rà soát 64 dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện, có 49 dự án là đô thị, nhà ở và 15 dự án sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp và bệnh viện.

Đây đều là các dự án được hình thành từ trước thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội và thuộc loại chậm triển khai từ trên 10 năm nay.

Tuy nhiên, nhiều khu đô thị, khu nhà ở được phê duyệt đầu tư hàng chục năm nhưng chưa đầu tư xây dựng.

Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo thống nhất với các phương án xử lý đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường vào ngày 13/3.

Cụ thể, với 15 dự án là sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, Chủ tịch TP.Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND huyện Mê Linh khẩn trương thực hiện chấm dứt, dừng, tạm dừng dự án, rà soát về quy hoạch.

Trên cơ sở đó, đề xuất phương án sử dụng đất theo quy định, báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 30/4/2023.

Trong số 15 dự án trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất chấm dứt 6 dự án bao gồm: Dự án Khu đô thị mới Việt Á (Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á); Dự án Khu đô thị mới BMC (Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại); Dự án Khu đô thị mới Prime Group (Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh của Công ty cổ phần Prime Group); Dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên (Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ du lịch Phương Viên).

Đáng chú ý, 2 dự án của của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng bị đề xuất thực hiện thủ tục chấm dứt là Dự án Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và Dự án Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh.

Được biết, 2 dự án Mê Linh – Đại Thịnh và Thanh Lâm – Đại Thịnh 1 đều do HUD làm chủ đầu tư đã xuất hiện trong danh mục 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng được TP.Hà Nội lên kế hoạch tiếp tục theo dõi, giám sát từ gần 1 năm nay. Theo đó, hai dự án này có phạm vi nghiên cứu khoảng 202,489 ha nhưng đến nay dự án chưa giải phóng mặt bằng.

Trong tổng số 49 dự án còn lại, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện thủ tục chấm dứt việc thu hồi đất, chấm dứt thực hiện dự án đối với dự án xây dựng bệnh viện cho người có thu nhập cao và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại xã Tiền Phong trước ngày 30/4/2023.

Cùng với đó, UBND Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, rà soát tham mưu thành phố xem xét tháo gỡ thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với dự án Khu đô thị mới CEO Mê Linh sau khi dự án được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất lúa và dự án trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội. Việc này phải được báo cáo về thành phố trước ngày 1/4.

UBND thành phố thống nhất phương án xử lý đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường.

UBND thành phố thống nhất phương án xử lý đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đối với các dự án còn lại, UBND Hà Nội giao các Sở Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, UBND huyện Mê Linh tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính.

Đồng thời, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan tạo điều kiện để chủ đầu tư tự khắc phục, khẩn trương thực hiện dự án đưa đất vào sử dụng; xử lý dứt điểm và báo cáo kết quả trước ngày 30/6.

Tại Hà Nội, quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi rất hạn chế. Trong khi đó, diện tích đất hoang hoá từ các dự án treo lên đến hàng chục nghìn ha. Lãng phí tài nguyên đất, thất thu ngân sách, kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là những hệ luỵ rõ nét nhất của các dự án treo lâu năm.

Theo quy định, đối với dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư, sau thời hạn này vẫn "ôm" đất trong nhiều năm tiếp theo mà không triển khai bất cứ hạng mục nào.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai.

Trên cơ sở đó, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường. Nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ