Hà Nội: Chỉ cấm xe máy khi hạ tầng giao thông bảo đảm

GD&TĐ - Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, tuyến đường thực hiện cấm xe máy sẽ phải có hạ tầng đầy đủ, chỉ thực hiện khi giao thông công cộng bảo đảm, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, việc đi lại của nhân dân.

Hạn chế xe máy trong các quận nội thành, tiến tới dừng hẳn vào năm 2030 khi hạ tầng giao thông công cộng bảo đảm. (Ảnh nguồn Internet)
Hạn chế xe máy trong các quận nội thành, tiến tới dừng hẳn vào năm 2030 khi hạ tầng giao thông công cộng bảo đảm. (Ảnh nguồn Internet)

Mới chỉ đề xuất nghiên cứu

Tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 19/3, Sở GTVT đã có báo cáo liên quan đến đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”. Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, đề án được xác định trên nguyên tắc tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện giao thông thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Theo đó, hình thức phân vùng và tổ chức hạn chế hoạt động xe máy gồm phân vùng hạn chế hoạt động theo tuyến đường và phân vùng hạn chế hoạt động theo khu vực. Tổ chức giao thông hợp lý, đáp ứng việc đi lại của người dân trong và ngoài khu vực hạn chế; bảo đảm kết nối giữa các loại hình phương tiện giao thông; mở rộng không gian và các tuyến phố đi bộ nhằm tạo thói quen đi bộ và kết hợp với việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Về lộ trình, trong năm 2019 - 2020, sẽ nghiên cứu xây dựng Đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, sẽ tổ chức công khai lộ trình thực hiện và triển khai các bước.

Thông tin về việc cấm xe máy trên tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân trong đó có xe máy và ô tô đã được Hà Nội đề cập từ khá lâu. Với ô tô, từ năm 2013, Hà Nội đã có Quyết định 06 ban hành quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố, phân vùng hoạt động của ô tô theo tuyến và theo giờ. Còn đối với xe máy, để dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố sẽ có giải pháp cụ thể, thực hiện từng bước, có lộ trình chứ không phải đến năm 2030 là cấm xe máy ra vào trung tâm thành phố.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, đến nay Đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô vẫn đang được nghiên cứu kỹ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Đây là một việc khó, liên quan đến nhiều người dân nên việc thực hiện sẽ có lộ trình, có nghiên cứu, thực hiện từng bước và đặc biệt, chỉ thực hiện khi hạ tầng giao thông công cộng đáp ứng được, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, việc đi lại của nhân dân

Thay đổi thói quen

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường đưa ra ví dụ cụ thể về việc đếm xe qua tuyến Nguyễn Trãi. Theo ông Trường bình quân một giờ cao điểm thì tuyến đường này có khoảng 30.000 - 35.000 hành khách. Tàu điện nếu chở tối đa 1 đoàn tàu gồm 4 toa, 1 giờ vận chuyển được khoảng 19.000 - 20.000 lượt hành khách. Như vậy, khả năng vận chuyển của phương tiện công cộng trên tuyến này ngay cả ở giờ cao điểm đều bảo đảm.

Cũng theo ông Trường, việc Hà Nội nghiên cứu hạn chế phương tiện cá nhân sẽ gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là ưu tiên nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng, cải tạo hạ tầng cho người đi bộ và các luồng phương tiện. Đây gọi là giai đoạn mua thói quen người dân đi phương tiện công cộng. Giai đoạn 2, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân. Giai đoạn 3 mới chuyển sang hạn chế, dừng cấm sử dụng phương tiện cá nhân khi đủ điều kiện.

“Bây giờ đang ở giai đoạn 2, không ở đâu khó làm giao thông công cộng như ở Hà Nội và TPHCM, bởi vì người dân của các thành phố này không thiếu phương tiện đi lại mà vấn đề cơ cấu không hợp lý dẫn đến hạ tầng không đáp ứng nổi. Ở Hà Nội nếu ô tô con tiếp cận được đến từng hộ gia đình thì chưa được đến 40%, xe buýt còn thấp hơn nữa. Chỉ có xe máy là tiếp cận được nên việc triển khai phương tiện công cộng là rất khó… Khi chuyển sang đường sắt trên cao là một sự thay đổi văn hóa, thói quen sử dụng phương tiện…”, ông Trường nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ