Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội tới 30 điểm cầu của UBND quận, huyện, thị xã và 579 điểm cầu của UBND xã, phường, thị trấn.
Gần 10.000 cán bộ quản lý giáo dục, lãnh đạo các trung tâm y tế của các quận, huyện, thị xã, cán bộ phụ trách công tác y tế trường học, chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin và các chủ nhóm lớp mầm non tư thục thuộc thành phố Hà Nội tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe quán triệt yêu cầu của Bộ GD&ĐT về việc tất cả các cơ sở giáo dục (từ mầm non đến cấp trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên) phải nghiêm túc cài đặt và triển khai ứng dụng “An toàn Covid-19” theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) đã hướng dẫn về cách cài đặt, sử dụng và phần mềm “An toàn Covid-19” và nêu rõ: Trước mắt, ứng dụng này chỉ sử dụng để khai báo đối với nhà trường, chưa sử dụng đối với GV và HS.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh: Cùng với việc duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thông điệp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc cài đặt và sử dụng ứng dụng “An toàn Covid-19” là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành Giáo dục Hà Nội.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã chỉ đạo, đôn đốc, giám sát và theo dõi các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó có cả các nhóm lớp mầm non tư thục triển khai ngay việc cài đặt ứng dụng và cập nhật khai báo tình hình trên phần mềm “An toàn Covi-19”.
Việc cài đặt ứng dụng “An toàn Covid-19” là yêu cầu bắt buộc đối với các nhà trường. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ theo dõi và đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua đối với các đơn vị về nội dung này.