Với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội.
Theo Nghị quyết được thông qua, ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị được giao tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; hỗ trợ đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường phục vụ phát triển liên kết; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích dồn điền đổi thửa, xây dựng kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm; khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, Nghị quyết quy định các nội dung về hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ 50% chi phí về giống và vật tư thiết yếu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm trong 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua dịch vụ tập trung của hợp tác xã; hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao nhưng không quá 300 triệu đồng/ứng dụng; hỗ trợ chi phí tư vấn, đánh giá, chứng nhận hoạt động sản xuất nông nghiệp theo quy trình thực hành tốt như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản đủ điều kiện khi vay vốn được hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 70% giá trị đầu tư của dự án; các doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở bán công nghiệp được hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ 2 và 30% ở năm thứ 3.
Đáng chú ý, trong buổi chiều cùng ngày 5/12, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với nội dung chủ yếu liên quan đến dự án "Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa)", dự kiến xây dựng tại huyện Sóc Sơn.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, việc bổ sung dự án “Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa” vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý vào tháng 3/2018. Việc triển khai dự án sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng nguồn thu ngoại tệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện Sóc Sơn nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
Trước đó, để đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP, UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung dự án “Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa” (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa) vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020. Đáng chú ý, tính từ thời điểm nhà đầu tư đề xuất với UBND TP Hà Nội về việc nghiên cứu triển khai dự án cho đến thời điểm này đã là 11 năm, do vậy việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch lần này rất cần thiết đối với sự phát triển dự án.
Dự án “Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa)” đi vào hoàn thành sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn với khoảng 66 triệu USD/năm từ nguồn thu thuế và khoảng 20 triệu USD/năm từ các nguồn thu khác. Đặc biệt, dự án không những mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội đối với thành phố mà còn thúc đẩy quá trình liên kết, phát triển vùng, do địa điểm dự án tại huyện Sóc Sơn tiếp giáp các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.