Hà Nội: 10 người vào quán internet thì có 7 người chơi game

Hà Nội: 10 người vào quán internet thì có 7 người chơi game

Theo ông Phạm Quốc Bản, tình hình quản lý đại lý Internet còn nhiều hạn chế, thiếu chế tài và những biện pháp kỹ thuật nghiêm minh… Những mặt trái của Internet và Game online với những nội dung bạo lực thiếu lành mạnh đã và đang làm băng hoại nhân cách của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên.

Được biết, từ năm 2008 đến nay, Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội đã kiểm tra hơn 2.000 đại lý, trong đó cảnh cáo, nhắc nhở 526 đại lý. Sở cũng đã cài đặt phần mềm quản lý đại lý Internet ở quận Hoàn Kiếm, nếu vào game online hoặc đại lý đóng cửa muộn đều nắm được.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Đức Tân cho rằng, không thể chỉ dùng biện pháp hành chính, thậm chí biện pháp kỹ thuật để quản lý. Nếu chỉ nghĩ hạn chế thì rất khó, chúng ta phải tham gia vào cuộc chơi, phải chủ động như tham gia sản xuất Game tích cực.

Giải thích vấn đề này, ông Phạm Quốc Bản cho rằng, Sở đã yêu cầu các nhà dịch vụ sản xuất game nhưng các đơn vị này nói không có đủ khả năng sản xuất và không có kịch bản hay. Việc này ở cấp toàn quốc đã khó, chứ chưa nói gì tới cấp thành phố.

Chia sẻ với khó khăn trong quản lý Internet và Game, nhưng Trưởng ban Văn hoá - Xã hội, Nguyễn Đức Toàn cho rằng, nếu nói lỗi chính không phải sở Thông tin - Truyền thông mà thuộc về Sở Kế hoạch - Đầu tư và quận, huyện thì sở Thông tin - Truyền thông quản lý cái gì và quản lý như thế nào? Thêm nữa, Sở nói kiên quyết đình chỉ các cơ sở kinh doanh Internet, nhưng sẽ đóng như thế nào khi đây không thuộc thẩm quyền của Sở?

Ông Phạm Quốc Bản dẫn ra các quy định như Nghị định 97 của Chính phủ, quyết định 15 của thành phố, quy định về việc không được cấp phép các cơ sở kinh doanh Internet cách trường học 200m. Sở sẽ phối hợp với ngành khác đề nghị quận, huyện thu hồi phép của những cơ sở vi phạm khoảng cách quy định.

Nhiều đại biểu cho rằng, không thể chỉ dùng biện pháp hành chính, thậm chí biện pháp kỹ thuật để quản lý (ảnh:gdtd.vn).
Nhiều đại biểu cho rằng, không thể chỉ dùng biện pháp hành chính, thậm chí biện pháp kỹ thuật để quản lý (ảnh:gdtd.vn).

Đại biểu Ngô Văn Ny đề nghị ông Bản đưa ra việc giải quyết vấn đề gắn với thời gian cụ thể, không dùng từ “sắp tới”. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam muốn được biết Sở đã kiến nghị thu hồi giấy phép được bao nhiêu trường hợp?

Ông Phạm Quốc Bản cho rằng, để xảy ra tình trạng như vừa qua có một phần trách nhiệm của sở Thông tin - Truyền thông. Hiện Sở đang phối hợp với các ngành, đặc biệt là công an, văn hoá để tăng cường quản lý. Riêng với việc thanh tra, Sở đảm nhận vai trò chủ trì. Sở sẽ kiểm tra ngay đợt tới các cơ sở gần trường học, đồng thời ngay năm nay sẽ thực hiện hàng loạt các biện pháp quản lý Internet, trong đó nhiều biện pháp được thực thi ngay từ quý III.

Ông Bản cho biết, Sở đã kiến nghị Bộ Thông tin - Truyền thông, Chính phủ giới hạn thời gian hoạt động của các đại lý đến 22h, thay vì 23h như hiện nay. Sở cũng đang tiến hành một loạt cuộc thanh tra và đến 30/7 sẽ tổng hợp kết quả gửi đến đại biểu.

Cũng theo ông Bản, Sở đã bàn với các nhà cung cấp đường truyền, nhưng việc này quá tầm vì thuộc thẩm quyền của Bộ.

Không chất vấn, nhưng Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Lê Quang Nhuệ cho rằng, trách nhiệm quản lý chính thuộc về xã, phường của Hà Nội, không thể đá quả bóng trách nhiệm lên trên. “Tác hại của game bạo lực rất lớn, tổn hại đến đạo đức nên phải cương quyết chứ không thể chờ thanh tra, chờ trên”, ông Nhuệ nhấn mạnh.

Ông Nhuệ nhìn nhận, “có lỗi gì đó” trong quản lý và đề nghị, không né tránh trách nhiệm, bởi theo ông, những công trình lớn sai phạm, thành phố có thể xử lý được, không lẽ gì cửa hàng con con vi phạm lại nói không đóng cửa được.

Theo quy định, các đại lý chỉ được hoạt động đến 23h, nhưng thực tế nhiều nơi vẫn hoạt động suốt ngày đêm. Các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được game lậu, trong khi game lậu có tới hàng trăm trò và 100% là bạo lực.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ