Đổi thay tích cực
Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam, đã có gần 7.800 học sinh lớp 10 hệ THPT và trên 1.350 học viên lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên đã được học chương trình và sách giáo khoa mới. Do công tác chuẩn bị bài bản, các nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh nắm bắt đầy đủ thông tin, cùng với tinh thần trách nhiệm cao nên việc triển khai dạy học với chương trình GDPT 2018 ở các cấp học đều thuận lợi, đạt kết quả tốt.
Đặc biệt với các nhà trường, năm học 2022 – 2023, sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho triển khai Chương trình GDPT 2018, sự vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt đã đem lại sự đổi thay về chất và lượng. Theo đại diện nhiều nhà trường, những yêu cầu mới của chương trình, nhà trường và đội ngũ cán bộ, giáo viên đã xác định rõ trách nhiệm tích cực đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó, cơ bản nhất là thay đổi nhanh, có chất lượng về phương pháp dạy học.
Đối với khối lớp 10, ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các trường xây dựng tổ hợp lựa chọn 4 môn học thuộc 9 môn tự chọn. Hoạt động giáo dục bắt buộc và các môn học lựa chọn có một số môn học có chuyên đề học tập thì tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành.
Các bạn học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa. |
Cô giáo Đinh Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Kim Bảng cho biết: Trường có 7 lớp với gần 300 học sinh lớp 10, chúng tôi đã chủ động xây dựng tổ hợp lựa chọn môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập để học sinh lựa chọn theo học suốt ba năm, bảo đảm vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Chúng tôi yêu cầu, giáo viên phải chủ động hoàn toàn về phương pháp, kỹ năng dạy học cũng như tổ chức các hoạt động, quản lý học sinh và linh hoạt vận dụng các nội dung được tập huấn về chuyên môn theo chương trình mới vào từng bài giảng. Những yêu cầu khắt khe về chuyên môn được xem là giải pháp tối ưu nhất khi thực hiện chương trình trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học.
Tinh thần trách nhiệm cao
Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa, bà Vũ Thị Lan Hương, cho biết: Nhà trường chỉ đạo, việc xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn phải định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo hướng tuyển sinh vào các trường chuyên nghiệp, trên cơ sở dự báo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của nhà trường theo chu kỳ một khóa học là ba năm học cấp THPT. Với trường chuyên yêu cầu về chất lượng càng cao nên giáo viên.
Chương trình GDPT 2018 đã góp phần đổi thay chất lượng dạy - học trong các nhà trường. |
Thực tế cho thấy ở nhiều trường THPT trên toàn tỉnh, công tác tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng được đánh giá bài bản, tạo tính hiệu quả trong thực tiễn. Đến nay, cho thấy có những thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh đã cơ bản bắt nhịp với yêu cầu mới của chương trình. Các trường THPT đều dành nguồn lực tốt nhất cho lớp 10 và việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cơ bản vào nền nếp.
Tinh thần trách nhiệm cao thể hiện ở từng cá nhân, các thầy cô giáo đã không chỉ thực hiện tốt vai trò quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo mà còn biết khai thác các yếu tố tập thể trong xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch nhà trường, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra, đánh giá, triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy mang tính sáng tạo.
Đặc biệt, các tổ trưởng chuyên môn căn cứ vào đặc điểm môn học, thực tế về số lượng và năng lực giáo viên bộ môn phải thực hiện tốt việc tham mưu, đề xuất các biện pháp giảng dạy tích cực, có trách nhiệm thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để bàn về các biện pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá phù hợp với từng đối tượng học sinh, thống nhất các chủ đề dạy học.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các thầy cô giáo đều nhận thức mình có vai trò hết sức quan trọng triển khai các nội dung yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Thế nên, mỗi giáo viên đã chủ động nhập cuộc, nghiên cứu bài giảng, xem việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh là một việc làm thường xuyên, được cụ thể ngay trong tất cả các khâu của quá trình dạy học.
Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT, bên cạnh tinh thần trách nhiệm cao của các nhà trường và thầy cô giáo, cần có sự quan tâm phát triển, bồi dưỡng đội ngũ; tạo điều kiện để giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, học và tự học; tăng cường công tác quản trị nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Sở GD&ĐT cũng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình và phản ánh thực tế triển khai ở nhà trường để có định hướng, chỉ đạo phù hợp, kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam Phạm Anh Tuấn