Thái Nguyên tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Ngày 10/2, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II, năm học 2022 - 2023.

PGS.TS Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị.
PGS.TS Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có PGS.TS Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên; các đồng chí phó giám đốc, trưởng phòng các ban chuyên môn, nghiệp vụ của Sở GD&ĐT và các đồng chí là cán bộ quản lý các phòng GDĐT trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên ghi nhận biểu dương những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua. Đồng thời chỉ đạo ngành bám sát và thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới tiếp tục triển khai thực hiện đúng kế hoạch chương trình giáo dục phổ thông mới, giải quyết những khó khăn khúc mắc của nhân dân để mọi người hiểu và chia sẻ cho những khó khăn của ngành giáo dục.

Đặc biệt, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh vai trò của cán bộ quản lý nhà trường không chỉ trong việc nghiên cứu và chủ động triển khai Chương trình GDPT mới mà còn ở việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Năm học 2022 - 2023, Thái Nguyên có mạng lưới trường lớp các cấp học được củng cố, phát triển đều khắp trên địa bàn, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập trong tỉnh. Sở GD&ĐT Thái Nguyên và các địa phương cấp huyện đang tích cực thực hiện công tác rà soát trường, điểm trường, sỹ số học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đồng thời sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, giảm quy mô trường, điểm trường lẻ, sử dụng hợp lý đội ngũ và số lượng biên chế. Hiện toàn tỉnh có 694 cơ sở giáo dục, giảm 3 trường so với năm học trước, số học sinh là 341.016 so với năm trước tăng 2.683 học sinh.

Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và có thể quản lý bộ máy quản lý cơ sở giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung vào rà soát, xác định giáo dục thành viên thuộc đối tượng đi đào tạo, bồi dưỡng.
Cùng với đó là đa dạng hóa các hình thức giáo dục, chú trọng hoạt động thực nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh; tăng cường các hoạt động, giúp học sinh vận dụng kiến ​​thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện GDPT năm 2018; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động học tập, kiểm tra đánh giá học sinh.

Trong năm học 2022 – 2023 vừa qua, công tác nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh, ứng dụng chuyển đổi số vào dạy và học là những vấn đề được ngành giáo dục Thái Nguyên đặc biệt quan tâm chú trọng.

Trong học kỳ II năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT Thái Nguyên tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, gắn đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ