Hạ Long xưa mang những tên gì?

GD&TĐ - Địa danh Hạ Long mới xuất hiện đầu thế kỷ XX. Vậy trước đó, vịnh biển xinh đẹp này mang những tên gì?

Bưu ảnh Pháp: “Baie d’Along – Le Crapaud / Vịnh Hạ Long – Hòn Con Cóc”.
Bưu ảnh Pháp: “Baie d’Along – Le Crapaud / Vịnh Hạ Long – Hòn Con Cóc”.

Vịnh Hạ Long rộng 1.553km2 gồm 1.969 đảo, hầu hết là đảo đá, trong đó 900 đảo có tên, nhưng chỉ 40 đảo đất có dân sinh sống. Vịnh Hạ Long còn có hệ thống hang động được kiến tạo vào thế địa chất Cánh Tân (còn gọi thế

Pleistocen, kéo dài từ khoảng 1.806.000 tới 11.550 năm trước ngày nay), đẹp nhất là hang Đầu Gỗ gồm nhiều thạch trụ / cột đá, thạch duẩn / măng đá, thạch nhũ / vú đá. Cách hang Đầu Gỗ chỉ 120m về phía tây có động Thiên Cung được phát hiện vào năm 1995. Kỳ thực, hang động này bị cây cối rậm rạp che phủ thời gian dài, chứ trước kia, đó là động mang tên Nôm diễn tả hình ảnh thực tế của thạch khối được tạo thành do kết tủa carbonat calci (CaCO3): Động Vú Chị Vú Em.

Ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc / United Nations Educational Scientific and

Cultural Organization (UNESCO) đưa vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về thẩm mỹ. Rồi ngày 2/12/2000, UNESCO tiếp tục đưa vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo.

Hạ Long: Địa danh mới xuất hiện đầu thế kỷ XX

Địa danh Hạ Long ra đời bởi tờ báo ấn hành bằng tiếng Pháp “Les Nouvelles d’Haïphong / Tin tức Hải Phòng” cho rằng thuyền trưởng tàu Avalence là viên thiếu úy người Pháp tên Legderin cùng các thủy thủ bắt gặp đôi rắn biển khổng lồ ba lần, vào các năm 1898, 1900 và 1902. Rắn biển phải chăng là biến thể của rồng?

Từ tin tức rắn – rồng, địa danh xuất hiện ban sơ vào đầu thế kỷ XX là Hải Long. Sách “Hải Long du ký” với phụ đề tiếng Pháp “Le tourisme à la baie d’Along” của Trần Hữu Tư, pháp danh Thiện Giác, một điền chủ ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, in năm 1941, dùng cả Hải Long lẫn Hà Long. Nguyên văn bài thơ “Hà Long phong cảnh” của tác giả sách nọ:

Gối đầu Bắc địa giáp ranh Tàu,

Phong cảnh Hà Long đẹp biết bao.

Một giải trong ngần mây nhận sắc,

Mấy hòn sáng rỡ đá phơi màu.

Chơn trời thâm thẫm rồng đi vắng,

Mặt biển minh mông cá nhảy nhào.

Nam quốc san hà ai đại định?

Thi đề vách đá chứng tài cao!

Hải Long biến thành Hà Long rồi hoá ra Hạ Long chăng? Tên Hạ Long, ghi theo tiếng Pháp thuở nọ thì Along và ngày nay thì Halong, ghi chữ Hán phồn thể thì 下龍 và giản thể thì 下龙, có nghĩa “rồng xuống”, ắt khiến muôn người liên hệ tên toà thành Thăng Long 昇龍 / 昇龙 (Hà Nội ngày nay) có nghĩa “rồng lên”.

Còn truyện “Rồng mẹ - Rồng con” thì thực chất, theo thiển ý của chúng tôi, được sáng tác vào thời hiện đại nhưng khoác vỏ “truyền thuyết” hoặc “cổ tích”. 

Những tên cũ của vịnh biển này

Trải qua thời gian, vịnh biển xinh đẹp này thay đổi bao tên gọi.

Giai đoạn Bắc thuộc, khu vực này mang tên Lục Châu, Lục Hải.

Các triều đại Lý, Trần, Lê, nơi đây lại mang các tên Hoa Phong, Hải Đông, An Bang / Yên Bang, Yên Quảng, Vân Đồn, Ngọc Sơn, Lục Thủy.

Thời Nguyễn, đến đời vua Thiệu Trị, kiêng chữ Hoa, nên đổi Hoa Phong thành Nghiêu Phong.

Biết địa danh cũ, bạn đọc ngày nay mới có thể hiểu và cảm văn thơ của người xưa. Chẳng hạn bài tuyệt cú 幸安邦府 / Hạnh An Bang phủ / Dạo chơi phủ An Bang của hoàng đế Trần Thánh Tông (1240 - 1290):

Sách “Hải Long du ký” của Trần Hữu Tư ấn hành năm 1941.
Sách “Hải Long du ký” của Trần Hữu Tư ấn hành năm 1941.

朝遊浮雲嶠,

暮宿明月灣。

忽然得佳趣,

萬象生毫端。

Phiên âm:

Triêu du phù vân kiệu,

Mộ túc minh nguyệt loan.

Hốt nhiên đắc giai thú,

Vạn tương sinh hào đoan.

Phan Võ dịch:

Sớm chơi núi mây nổi,

Đêm nghỉ bến trăng thanh.

Bỗng dưng được thú lạ,

Ngọn bút nẩy muôn hình.

Nhiều người cho rằng Trần Thánh Tông là vị hoàng đế đầu tiên của nước ta thăm Hạ Long, và Hạnh An Bang phủ là áng thơ đầu tiên đề cập đến địa phương tuyệt đẹp này.

Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá kiêm thi hào Nguyễn Trãi (1380 - 1442) từng sáng tác bài thất ngôn bát cú “雲屯 / Vân Đồn” đặc tả phong cảnh Hạ Long.

Hoặc bài thơ do vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) ngự đề vào mùa xuân Mậu Tý 1468, đoạn khắc lên vách núi Truyền Đăng tức núi Bài thơ, nhắc 海東 / Hải Đông tức Hạ Long Bài thơ ấy được chúa Trịnh Cương (1686 - 1729) hoạ vận, cũng cho khắc vào vách núi Bài Thơ.

Bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán “渡華封 / Độ Hoa Phong / Qua Hoa Phong” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng đề cập vịnh Hạ Long; bản Việt dịch bởi Hoàng Xuân Hãn:

Lá buồm thủng thỉnh vượt Hoa Phong,

Đá dựng bờ son mọc giữa dòng.

Dòng nước lần theo chân núi chuyển,

Mình lèn nghiêng để lối duềnh thông.

Cá rồng lẩn nấp hơi thu nhạt,

Âu lộ cùng bay bóng xế hồng.

Băm sáu phòng mây cùng động ngọc,

Đâu nào là cái Thuỷ Tinh cung?

Năm 1883, thực dân Pháp chiếm vịnh biển này. Có ý kiến cho rằng do trên các đảo ở đây có nhiều cây gai nên người Pháp gọi là île des brouilles, phiên âm là Hongai / Hongay / Hon-gai / Hon-gay, sau đổi ra Hòn Gai và Hồng Gai. Các nhà nghiên cứu thì xác định đó là cách người Pháp gọi chệch địa danh Hồng Hải thuở ấy. Lúc bấy giờ, Hòn Gai là một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Yên.

Ngày 27/12/1993, Chính phủ nước ta ban hành Nghị định số 102-CP: Thành lập thành phố Hạ Long trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Hồng Gai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ