Không để ai bị bỏ lại phía sau
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới với đa dạng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại các bản, làng vùng sâu, vùng xa, nhiều người dân hiện nay vẫn chưa biết chữ. Xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương mở nhiều lớp xóa mù chữ, nâng cao dân trí cho người dân.
Là huyện vùng cao núi đất nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần có trên 7 vạn người bao gồm 18 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Dân cư sống phân tán, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Trình độ dân trí hạn chế, không đồng đều giữa các vùng nên ở các thôn bản vùng cao, vùng sâu vẫn còn nhiều người dân chưa biết chữ tập trung chủ yếu là người dân tộc thiểu số và nữ giới. Nhiều người lúc còn nhỏ do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con, xa trường học, phải lao động phụ giúp gia đình, lo toan cuộc sống nên chưa thể đi học.
Từ thực tế đó, những năm qua, việc tổ chức và duy trì lớp học xóa mù chữ tại các địa phương vùng cao, vùng sâu của huyện Xín Mần là nhiệm vụ quan trọng, với mục tiêu nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần đã chỉ đạo các trường phân công giáo viên giảng dạy, áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người học, cũng như tập quán sinh hoạt của bà cao. Giáo viên phụ trách dạy xóa mù chữ nghiên cứu nội dung chương trình, lựa chọn khối lượng kiến thức phù hợp với từng đối tượng học viên, đồng thời kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy để học viên dễ tiếp thu.
Kết quả, từ đầu 2024 đến nay, huyện vận động mở được 6 lớp xóa mù chữ với 111 học viên tham gia; 18/18 xã, thị trấn của huyện đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Số người trong độ tuổi từ 15 đến 25 được công nhận biết chữ mức độ 2 đạt 99,13%; số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận biết chữ mức độ 2 đạt 96,35%; số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi được công nhận biết chữ mức 2 đạt 80,67%. Huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Quan tâm thường xuyên, liên tục
Xác định công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần được quan tâm thường xuyên và liên tục, tỉnh Hà Giang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học; đồng thời củng cố hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các lớp xóa mù chữ.
Hội thi tuyên truyền viên giỏi về công tác xóa mù chữ tỉnh Hà Giang năm 2024 được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 30/11 vừa qua đã tạo sân chơi bổ ích, thiết thực cho những người làm công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh.
Thông qua hội thi giúp đẩy mạnh truyền thông hoạt động xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh; tăng cường hiệu quả hoạt động điều tra khảo sát, vận động người dân tham gia học xóa mù chữ; nâng cao chất lượng các lớp xóa mù chữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thông qua các phần thi giúp mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ xã tham gia công tác xóa mù chữ nắm vững hệ thống văn bản chỉ đạo của các cấp để có những định hướng thực hiện và quản lý tốt lớp học xóa mù chữ; là nơi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền, thu hút, vận động người dân đến với lớp học và giúp giáo viên học hỏi những phương pháp quản lý “lớp học đặc biệt”, lớp học của những học trò lớn tuổi.
Huyện Đồng Văn là huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó một bộ phận không nhỏ người dân từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết. Trước thực trạng này và cùng với việc hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để xóa mù chữ cho người dân.
Thôn Phỉnh Cồ Ván là một thôn vùng cao của xã Hố Quáng Phìn (huyện Đồng Văn), đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí không cao, số lượng người mù chữ còn cao. Ngành giáo dục đã phối hợp với chính quyền địa phương để mở lớp xóa mù chữ cho bà con dân bản.
Lớp học được tổ chức với 34 học viên có độ tuổi từ 15- 60 tuổi là những người mù chữ, tái mù chữ có nguyện vọng theo học lớp xóa mù chữ nhằm nâng cao trình độ văn hóa cũng như giúp người dân biết nói tiếng phổ thông và trang bị kiến thức cần thiết cho việc phát triển kinh tế và giao thương hàng hóa, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.
Theo thống kê, trong những năm qua các địa phương tại Hà Giang đã tích cực vận động người dân tham gia học xoá mù chữ, mở lớp xoá mù chữ. Tiêu biểu trong việc mở lớp xoá mù chữ là huyện Xín Mần từ năm 2020 đến năm 2024 đã mở được 80 lớp xóa mù chữ với tổng số 1.800 học viên theo học, huyện Bắc Quang từ năm 2021 đến năm 2024, đã mở được 43 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 với tổng số 1.274 học viên theo học…