Trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, tiến sỹ Trần Công Trục cho rằng: Đây chính là một cuộc xâm lược mềm, một cuộc xâm lăng kiểu mới.
* Ông có thể phân tích rõ hơn vì sao lại gọi đây là một cuộc xâm lược mềm, xâm lăng kiểu mới của Trung Quốc đối với Việt Nam?
Rõ ràng là họ đã chọn một thời điểm thuận lợi nhất để hành động bằng phương thức có thể gọi là một cuộc “xâm lược mềm” mà mục tiêu trước mắt là chiếm đoạt, vơ vét tài nguyên nằm trong các vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.
- Để hiểu rõ hơn bản chất của cuộc xâm lược mềm này, chúng ta cần phải biết giàn khoan Hải Dương – 981 đang hạ đặt ở đâu.
Trước hết, dễ dàng nhận ra vị trí này không phải nằm trong lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa, thậm chí là của đảo Tri Tôn, vì nó cách đảo Tri Tôn 18 hải lý. Vậy thì chỉ có thể là nó đã nằm trong vùng đặc quyền về kinh tế của quần đảo này (vì vùng tiếp giáp lãnh hải xét về phạm vi không gian vẫn là một bộ phận của vùng đặc quyền kinh tế).
Vấn đề là quần đảo này có hội đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 để có thể cho phép quốc gia có chủ quyền mở rộng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quần đảo này hay không?
Thực tế quần đảo này bao gồm các đảo, đá, bãi cạn, rạn san hô rất nhỏ bé nằm trong khu vực với khí hậu khắc nghiệt, không thích hợp cho đời sống con người và đương nhiên không thể có đời sống kinh tế riêng, mặc dù sau khi xâm chiếm bằng vũ lực, Trung Quốc đang cố tìm cách tạo ra diện mạo đó.
Hơn nữa quần đảo này không phải là quốc gia quần đảo. Vì thế việc vạch ra hệ thống đường cơ sở để từ đó xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của quần đảo này là hoàn toàn khác với quốc gia quần đảo.
Vì những lý do đó, có thể khẳng định rằng quần đảo này không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982, có chăng thì từng đảo nổi theo đúng quy định của Điều 121 của Công ước Luật Biển năm 1982.
Việc Trung Quốc đã vạch một đường cơ sở bao trọn quần đảo mà họ gọi là “Tây Sa” để từ đó tạo ra vùng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sai với quy định của Công ước trên.
Do đó, có thể khẳng định rằng vị trí hạ đặt của giàn khoan Hải Dương – 981 hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không có liên quan gì đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép và cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước về Luật Biển năm 1982 để biện minh cho yêu sách vô lý, đầy tham vọng của mình.
Tiến sỹ Trần Công Trục |
* Nhiều người băn khoăn về thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Phải nói rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn Hải Dương – 981 vào thời điểm này và vị trí đặt giàn khoan của họ là một sự lựa chọn với một sự tính toán rất tinh vi.
Nhìn vào bối cảnh hiện nay, thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp. Mỹ cùng các nước châu Âu và Nga đang tập trung vào vấn đề Ukraine. Đây là một vấn đề nóng và hết sức nhạy cảm khi cả hai bên đều có những “đòn” cân não và cả thế giới đều nín thở để chờ những gì xảy ra tiếp theo.
Rõ ràng lúc này, Biển Đông và Biển Hoa Đông không còn là những điểm nóng số một khiến Mỹ và Nga phải quan tâm hàng đầu nữa.
Trong bối cảnh hiện nay, trong sự đối chọi tại Ukaine thì Nga và Trung Quốc sẽ có những mối quan hệ đặc biệt hơn trong “thế cờ” địa – chính trị quốc tế.
Mặt khác, Trung Quốc đang phải đối phó với nhiều vấn đề chính trị, xã hội khá phức tạp, bất ổn như: Tân Cương, Tây Tạng… vì thế, việc họ đưa giàn khoan ra Biển Đông vào thời điểm này là giải pháp chuyển mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài.
* Đến thời điểm này, rất nhiều quốc gia đã nhận rõ âm mưu “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc. Với những âm mưu và hành động hung hăng của Trung Quốc, theo ông, Việt Nam có thể áp dụng những giải pháp nào để đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc?
- Xét về mặt thực lực, căn cứ vào tính chất, mức độ của vụ việc và đặc biệt là trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, việc áp dụng phương nào là cần thiết và thích hợp cần phải có sự cân nhắc kỹ càng, trên cơ sở cần có “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh”.
Phương thức quân sự có lẽ chưa phải là giải pháp được ưu tiên vào thời điềm này và càng không phải là là giải pháp khôn khéo, cần thiết và thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Vậy thì có lẽ phải sử dụng đến các phương thức dùng áp lực quốc tế và đưa vụ việc ra trước cơ quan tài phán quốc tế.
Áp lực quốc tế xuất phát từ những nguồn lực mà Trung Quốc không thể xem thường được. Đó chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết, đồng lòng, đồng sức của quốc gia, của dân tộc, của cộng đồng khu vực và quốc tế. Việt Nam cũng đang phấn đấu nỗ lực vì sự đoàn kết, thống nhất đó.
* Còn phương thức kiện Trung Quốc ra các Cơ quan tài phán quốc tế thì sao? Liệu có khả thi không thưa ông?
- Đây là một trong những phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong quan hệ quốc tế.
Về nguyên tắc Việt Nam cũng sẽ vận dụng giải pháp này như đã từng đề cập đến trong các nội dung tuyên bố chính thức của mình.
Tuy nhiên vấn đề lại không dễ dàng như nhiều người tưởng bởi vì không phải bất kỳ vụ việc nào cũng có thể đơn phương đệ đơn kiện.
Chúng ta không thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế Luật Biển về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hay tranh chấp trong việc phân định vùng biển chồng lấn được. Vì Tòa này đòi hỏi hai bên phải thỏa thuận cùng đưa vụ việc ra Tòa và cam kết thi hành án thì Tòa mới xét xử. Trong khi đó Trung Quốc sẽ không bao giờ cam kết như vậy.
Mặt khác, tại Điều 39 của Hiến chương Liên hiệp Quốc quy định: “Hội đồng Bảo an xác định sự tồn tại mọi sự đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các Điều 41, 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.”
Tuy nhiên, tại Điều 27 lại dành quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc. Đó là một thực tế cần được tính toán kỹ trước khi khởi kiện.