'Hạ chuẩn' giáo viên: Bài toán về nguồn tuyển và xếp lương

GD&TĐ - Nếu “hạ chuẩn”, dự kiến các địa phương sẽ tuyển dụng được khoảng 10 nghìn giáo viên để thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Cô - trò Trường Tiểu học Quang Minh B (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: TG
Cô - trò Trường Tiểu học Quang Minh B (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: TG

Song bài toán đặt ra là, nhân sự có mặn mà với ngành Giáo dục và sau tuyển dụng, những giáo viên này được xếp lương thế nào?

Nguồn tuyển dồi dào?

Bộ GD&ĐT dự báo năm 2024, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ. Đối với cấp THCS thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, 2.366 người dạy môn Khoa học tự nhiên và 4.321 giáo viên Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).

Từ thực tiễn này, Bộ GD&ĐT nhận định, cần thiết tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, nhằm bảo đảm đủ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở các môn học trên.

Trên thực tế, tại các địa phương, số lượng người có bằng cao đẳng đáp ứng yêu cầu trên còn nhiều nhưng chưa được tuyển dụng vì không đáp ứng chuẩn trình độ được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

Cô Trình Thị Thu – cán bộ phụ trách công tác tổ chức, cán bộ công chức, viên chức của Phòng GD&ĐT Bạch Thông (Bắc Kạn) cho hay, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn huyện còn khoảng 10 người có bằng cao đẳng bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật. Trong bối cảnh thiếu giáo viên hiện nay, nếu có thêm 10 nhân sự này thì cơ bản lấp được số giáo viên còn thiếu trên địa bàn huyện Bạch Thông.

Tuy nhiên, số lượng thực tế có thể nhiều hơn 10 người, cô Trình Thị Thu nhận định và cho rằng, quá trình khảo sát trong thời gian ngắn, nhiều người đi làm tại công ty, xí nghiệp ở các địa phương khác nhau nên khó thống kê chính xác. Nếu đề xuất “hạ chuẩn” giáo viên được chấp thuận bằng nghị quyết của Quốc hội, Phòng GD&ĐT huyện Bạch Thông sẽ có thông báo rộng rãi để “chiêu sinh” tất cả con em trong và ngoài huyện có bằng cao đẳng, đáp ứng yêu cầu nêu trên tham gia ứng tuyển.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho biết, hiện có hơn 300 giáo viên thực hiện “nâng chuẩn” theo lộ trình nhằm đáp ứng quy định của Luật Giáo dục 2019. Sở từng có ý kiến đề xuất tuyển dụng, hợp đồng giáo viên “dưới chuẩn” – những người đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc chuyên ngành phù hợp một số môn trong Chương trình GDPT 2018.

Đề xuất này dựa trên cơ sở thực tiễn: Hiện, nhiều người trên địa bàn tỉnh đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan nên chưa tham gia giảng dạy trong cơ sở giáo dục phổ thông. “Ước tính có khoảng hơn 100 trường hợp này. Tới đây, nếu có điều kiện, chúng tôi có thể khảo sát để xác định số lượng chính xác hơn”, ông Nguyễn Ngọc Thái trao đổi và hy vọng đề xuất “hạ chuẩn” giáo viên sẽ được chấp thuận để địa phương có cơ sở tuyển dụng, hợp đồng trường hợp trên.

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường THCS Thanh An (Thanh Hà, Hải Dương). Ảnh: NTCC

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường THCS Thanh An (Thanh Hà, Hải Dương). Ảnh: NTCC

Băn khoăn xếp lương?

“Nhiều con em địa phương tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mong muốn được làm giáo viên, nhưng do quy định của Luật Giáo dục năm 2019, các em không đáp ứng yêu cầu về chuẩn trình độ được đào tạo nên chuyển sang làm ở công ty, xí nghiệp hoặc bán hàng online. Đây là điều đáng tiếc, lãng phí nguồn nhân lực”, ông Trần Đình Vinh - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Đồng Nai) cho hay.

Dù không khảo sát, thống kê chính thức nhưng bằng kinh nghiệm, ông Trần Đình Vinh nhận định, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có không ít người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp ở một số bộ môn theo Chương trình GDPT 2018.

“Dự đoán, số lượng được tính theo đơn vị hàng trăm. Muốn có số liệu chính xác, cần tiến hành khảo sát để có cơ sở thực tiễn khi đánh giá tác động của chính sách, khi đó đề xuất sẽ tăng giá trị thuyết phục hơn”, ông Trần Đình Vinh trao đổi.

Luật Giáo dục năm 2019 quy định, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS là có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Từ quy định này, cô Trình Thị Thu băn khoăn, nếu những người có bằng cao đẳng được tuyển dụng theo chính sách “hạ chuẩn” thì cơ chế xếp lương, vị trí việc làm của họ sẽ như thế nào? Đây là bài toán cần tính đến vì gắn liền với quyền, lợi ích chính đáng của đội ngũ.

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Vinh cho rằng, dù “dưới chuẩn” nhưng họ được tuyển dụng hợp pháp nên phải có mã chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và xếp lương như những viên chức trong ngành Giáo dục.

Trong bối cảnh này, cần tính đến phương án áp dụng chính sách tiền lương của giáo viên hạng III cho đến khi đạt trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Đội ngũ này phải thực hiện “nâng chuẩn” theo quy định hiện hành. Ngoài ra, có thể tính đến phương thức hợp đồng giáo viên và chi trả tiền lương/tháng theo hình thức trọn gói.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 là định hướng phấn đấu và phù hợp với xu thế phát triển, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là bước đột phá, đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018, cần bổ sung đủ số lượng giáo viên đứng lớp bảo đảm theo thực tế dự báo tăng dân số cơ học và thực hiện giảng dạy các môn học.

Việc đề xuất “hạ chuẩn” trình độ được đào tạo giáo viên nêu trên, nếu được Quốc hội thông qua sẽ không làm phát sinh, đảm bảo phù hợp quy định về tinh giản biên chế do việc tuyển dụng sinh viên/giáo viên có trình độ cao đẳng được các địa phương triển khai trong tổng số biên chế được giao theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình đến năm 2026. Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66 nghìn biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026. Tuy nhiên các địa phương vẫn không tuyển đủ số giáo viên theo biên chế được giao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.