GV cần học thêm tiếng dân tộc để hỗ trợ dạy tiếng Việt cho HS

GV cần học thêm tiếng dân tộc để hỗ trợ dạy tiếng Việt cho HS
csac
Các đại biểu dự Hội thảo

Trong nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS là một nhiệm vụ trọng tâm. Bằng nhiều giải pháp, chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS có chuyển biến. Số học sinh lớp 1 xếp loại yếu môn tiếng Việt cuối năm giảm nhiều. Nhiều địa phương tích cực thực hiện các phương án, giải pháp do Bộ hướng dẫn, có những sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS như: Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Kon Tum, Khánh Hòa…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD và ÐT, chất lượng dạy và học tiếng Việt cho HSDTTS trong nhà trường ở các địa phương trong cả nước còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp; dẫn đến việc tiếp thu kiến thức, chất lượng học tập của HSDTTS giảm sút, thấp kém. Tỷ lệ HSDTTS yếu tiếng Việt, không đáp ứng việc tiếp thu kiến thức trên lớp học ở bậc tiểu học ở nhiều địa phương là từ 10 đến 12%.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu thống nhất ý kiến, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp. Trước hết, tập huấn cho giáo viên thành thục các kỹ thuật dạy tiếng Việt, gắn với nâng cao trách nhiệm cam kết của giáo viên thông qua nghiệm thu chất lượng học tiếng Việt của HSDTTS.

Cần tăng thời lượng học tiếng Việt, cụ thể là: dạy nói tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo bốn đến năm tuổi, dạy tiếng Việt trong hè cho trẻ trước khi vào học lớp một theo chương trình dự án PEDC, xây dựng môi trường tiếng Việt cho HSDTTS, áp dụng cách dạy song ngữ (tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ) thông qua nhân viên trợ giảng là người dân tộc bản địa...

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học cho học sinh DTTS của tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền núi nói chung. Thứ trưởng yêu cầu các cán bộ quản lý cần nâng cao trách nhiệm đối với công tác giáo dục tiểu học cho học sinh DTTS tại địa phương mình. Cần làm tốt việc cam kết trách nhiệm, bàn giao chất lượng giữa các cấp học; giáo viên học thêm tiếng dân tộc nhằm hỗ trợ việc giảng dạy học sinh học tốt tiếng Việt; thực hiện nhiều phương án, giải pháp chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt đồng bộ với nhiều hoạt động khác. Các cách thức tổ chức, thực hiện được áp dụng tại địa phương với tinh thần chủ động, linh hoạt và sáng tạo.

Ngọc Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ