Gửi một nỗi lòng... Quảng Trị ơi!

GD&TĐ - Hai bài thơ "Gửi một nỗi lòng - Quảng Trị ơi" và "Đồng Lộc ơi gửi nỗi niềm" của thầy giáo Trần Anh Tú đã khiến nhiều người vô cùng xúc động.

Nhân dịp về thăm Quảng Trị, Trường Sơn, Đồng Lộc, là một nhà giáo về hưu - thầy Trần Anh Tú đã không giấu nổi niềm xúc động nghẹn ngào.

Theo thầy Tú, khi mới học hết năm thứ hai ở tuổi đời 21, ông đã cùng Khoa Toán - Lý trường Sư phạm 10+3 Bắc Thái tình nguyện lên đường bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc năm 1979.

Sau gần 5 năm, người thanh niên tên Tú đã trở lại ngành giáo dục công tác, học Đại học, rồi trở thành “Thầy Hiệu trưởng” Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và về hưu năm 2018 khi tròn 60 tuổi.

Theo thầy Tú, là một người thầy ông đã bao lần dạy học trò đạo lý “uống nước nhớ nguồn” bởi đạo lý này với người Việt thì "không bao giờ cạn" và các thế hệ sau luôn nhớ, luôn biết ơn sự hi sinh vì Đất nước, vì Dân tộc của bao thế hệ đi trước.

Nhân dịp cả dân tộc tri ân những người đã hi sinh xương máu của mình vì sự bình yên của đất nước, rung động tự thân, thầy Tú đã xúc động kính tặng hương hồn các hùng liệt sĩ đã hi sinh, nằm lại thành cổ Quảng Trị và nghĩa trang Trường Sơn hai bài thơ "Gửi một nỗi lòng - Quảng Trị ơi" và "Đồng Lộc ơi gửi nỗi niềm"...

Giáo dục và Thời đại xin gửi tới quý độc giả 2 bài thơ "như một nén tâm nhang" này.

Đài tưởng niệm trung tâm và sân hành lễ tại Thành cổ Quảng Trị.

Đài tưởng niệm trung tâm và sân hành lễ tại Thành cổ Quảng Trị.

Gửi một nỗi lòng - Quảng Trị ơi

“Đường mòn” tên Bác năm xưa

Đưa ta về một ngày mưa chiến trường

Chiều Thành Cổ nén đau thương

Để đêm se lạnh đẫm sương Đông Hà.

“Đường mòn” trăn trở vào ra

Trường Sơn ơi mấy bao la trập trùng

Chứa bao nhiêu khúc bi hùng

Tôi về đây nén tận cùng nỗi đau.

Nặng lòng chẳng thể bước mau

Đặt bàn chân sợ làm đau cỏ, đường

Mấy đời thấm đậm máu, xương

Quanh năm quyện khói cùng hương dâng trình.

Về đây ta hiểu thêm mình

Để lòng trang trải thêm tình đắng cay

Mượn làn nhanh ngỏ lời thay

Mái đầu cúi, lệ tràn cay nghẹn lời

Quảng Trị ơi sót muôn đời

Xương phơi thành cổ máu trôi Thạch hà*.

Nghẹn ngào trĩu nặng đường ra

Để lòng thương tỏ giùm ta bao điều

Độc lập sớm, Tự do chiều

Thấm nhiều gian khổ, lọc nhiều máu xương.

Ra về nghẹn mãi niềm thương

Nhủ lòng không thẹn cùng hương hồn người.

(Thạch hà: tên gọi tắt của sông Thạch Hãn)

Đồng Lộc ơi gửi nỗi niềm

Tôi về Đồng Lộc chiều nay

Nghe dòng ký ức rót đầy con tim

Đọc thơ đồng đội đi tìm

Nỗi đau thương tưởng đắm chìm “Cúc ơi!”

Rưng rưng nói chẳng nên lời

Lữ hành đoàn khóc một trời lệ rơi

Nỗi đau Đồng Lộc muôn đời

Đạn bom đỏ đất nát trời quê hương

Chẳng ngăn nổi chí kiên cường

Xả thân cho những cung đường vươn xa.

Kính dâng các Chị vòng hoa

Mười cung hoa trắng ngần qua tháng ngày

Thắp dâng Chị nén nhang này

Cầu xin cho cõi đất dày bình an…

Niềm đau vô tận thời gian

Giữa thanh bình lệ vẫn tràn đẫm mi.

Mai ngày trên mỗi bước đi

Sáng ngời tâm đức xin ghi trọn đời

Gian nan dù mấy người ơi

Về Đồng Lộc gột sạch nơi cõi lòng

Bon chen, đố kỵ, thay lòng,…

Trước gương đỡ thẹn mới hòng thảnh thơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Mạnh dạn lên tiếng với 'lạm thu'

GD&TĐ - Dù ngành Giáo dục và các địa phương có chỉ đạo về chống lạm thu nhưng hầu như năm học nào, vấn đề này cũng trở thành đề tài “nóng”.

Hệ thống cây xanh của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh được trồng từ nguồn kinh phí do một số phụ huynh ủng hộ. Ảnh: NTCC

'Kê toa' chống lạm thu đầu năm

GD&TĐ - Công khai các khoản thu theo thỏa thuận và bắt buộc là cách nhiều địa phương áp dụng để chống lạm thu trong các trường học.