Gửi 5 mẫu kiểm nghiệm vụ trẻ mầm non Nghệ An nghi ngộ độc

GD&TĐ - Chiều 10/5, tất cả trẻ mầm non Nghệ An nghi ngộ độc thực phẩm đã xuất viện, 5 mẫu phẩm được gửi đi kiểm nghiệm xác định nguyên nhân.

Trẻ mầm non Đô Lương, Nghệ An cấp cứu do nghi ngộ độc thực phẩm đã ổn định sức khỏe và xuất viện. Ảnh: NDCC.
Trẻ mầm non Đô Lương, Nghệ An cấp cứu do nghi ngộ độc thực phẩm đã ổn định sức khỏe và xuất viện. Ảnh: NDCC.

Trước đó, tối ngày 9/5, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương (Nghệ An) tiếp nhận 55 trường hợp trẻ Trường mầm non xã Thuận Sơn với các biểu hiện nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Sau đó đến 3h sáng ngày 10/5, bệnh viện tiếp nhận tiếp 2 trẻ đến cấp cứu. Bác sỹ Lê Đức Hải – Giám đốc bệnh viện thông tin, tất cả 57 trẻ đến viện đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, một số trường hợp có sốt, biểu hiện mất nước.

Ngay lập tức bệnh viện Đa khoa Đô Lương đã huy động 50 y bác sĩ, điều dưỡng với trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, tổ chức cấp cứu điều trị tích cực cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời hội chẩn với Trung tâm hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Tỉnh Nghệ An, xin ý kiến chỉ đạo và hướng xử lý.

Đến trưa 10/5, toàn bộ trẻ Trường mầm non Thuận Sơn nghi ngộ độc thực phẩm sức khỏe đã ổn định và được gia đình đón về nhà, gồm trẻ theo dõi tại trạm y tế xã và những cháu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương.

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Đô Lương, Trường Mầm non Thuận Sơn có 354 cháu đều ăn bán trú. Ngày 9/5, có tất cả 304 trẻ đến trường, trong đó 267 trẻ mẫu giáo nhóm 3-5 tuổi, còn lại 37 cháu nhóm nhà trẻ.

Sau bữa ăn trưa, trẻ đi ngủ và không có hiện tượng gì lạ. Đến khoảng 15h chiều, trẻ ăn bữa phụ trong đó 37 cháu nhà trẻ có chế độ thực đơn riêng và không uống sữa. Còn 267 trẻ mẫu giáo uống sữa chua do nhà trường tự ủ (từ 17h ngày 8/5 đến 15h ngày 9/5) và không bảo quản qua tủ lạnh.

Sau khi tan trường, đến 18h30 phút cùng ngày, lần lượt nhiều cháu có biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy… được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu.

Ngay trong đêm 9/5, đại diện Sở GD&ĐT nắm thông tin và trực tiếp đến Trạm y tế xã Thuận Sơn, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương để thăm hỏi, động viên tinh thần các cháu cũng như phụ huynh.

Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An thăm hỏi, động viên trẻ và phụ huynh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương tối 9/5. Ảnh: NVCC.

Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An thăm hỏi, động viên trẻ và phụ huynh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương tối 9/5. Ảnh: NVCC.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Nguyên nhân dẫn đến hơn 70 trẻ Trường Mầm non Thuận Sơn, Đô Lương ngộ độc thực phẩm đang được các cơ quan chuyên môn, chức năng điều tra, xác định. Khi trẻ đảm bảo sức khỏe, nhà trường tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ bình thường theo kế hoạch năm học.

Về Sở GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các nhà trường thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là bữa ăn cho học sinh bán trú. Hiện Nghệ An đã bước vào mùa hè, thời tiết nắng nóng.

Các nhà trường cần lưu ý đến việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, dinh dưỡng thực phẩm vào bếp ăn bán trú. Trong quá trình chế biến, bảo quản cần tuân thủ các quy định, quy tắc an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh, học sinh không sử dụng thực phẩm, đồ ăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo báo cáo nhanh của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An, tất cả các trường hợp trẻ nghi bị ngộ độc thực phẩm tại huyện Đô lương đều ăn món sữa chua do nhà trường tự ủ vào bữa ăn giữa chiều ngày 9/5.

Các cháu nhà trẻ trong bữa ăn giữa chiều không ăn món sữa chua và không ghi nhận có triệu chứng bất thường. Trước đó, các cháu (nhà trẻ và mẫu giáo) đều ăn bữa ăn trưa tại trường và không ghi nhận có triệu chứng bất thường.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc trẻ Trường Mầm non xã Thuận Sơn nhập viện cấp cứu vì nghi ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo Chi cục đã có mặt tại huyện Đô Lương để phối hợp với địa phương tiến hành điều tra nguyên nhân.

Đoàn điều tra đã tiến hành lấy 10 mẫu phẩm gồm 6 mẫu thực phẩm và 4 mẫu bệnh phẩm. Căn cứ kết quả điều tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã tiến hành lấy 5 mẫu (gồm 1 mẫu sữa chua (mẫu thực phẩm) và 4 mẫu bệnh phẩm) gửi Viện kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm xác định nguyên nhân.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An đề nghị các huyện, thành thị tăng cường đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú trên địa bàn; Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền đến tất cả các thôn, xóm và đến tận người dân, người lao động về việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.

Giám sát các yếu tố nguy cơ ngộ độc để phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ