Vỡ òa trong niềm vui chiến thắng
65 năm về trước, hàng vạn người dân Hà Nội hân hoan chào đón đoàn quân giải phóng Thủ đô. Trong ký ức của GS Phạm Minh Hạc, giải phóng Thủ đô là ngày hội lớn không chỉ của người dân Hà Nội mà còn là của toàn quân và toàn dân ta. Lúc đó ở Hà Nội, không khí của đại thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và giải phóng Thủ đô rất đỗi hào hùng và phấn khích. Ai nấy đều mừng vui khôn xiết.
“Chúng tôi là sinh viên nên cũng được hòa chung trong không khí đó. Tôi là lớp trưởng nên tham gia và tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ cổ vũ tinh thần chiến thắng và tinh thần học tập của sinh viên. Chúng tôi như “mở cờ” trong bụng vì liên tiếp nhận được tin thắng trận của quân và dân ta. Không khí hào hứng, phấn khởi lan tỏa khắp trong các trường đại học. Không khí ấy càng hun đúc tinh thần học tập cho thế hệ sinh viên chúng tôi lúc bấy giờ” - GS Phạm Minh Hạc bộc bạch.
GS Phạm Minh Hạc nhớ lại: “Năm học 1953 - 1954, tôi là học sinh cấp 3 Trường Nguyễn Thượng Hiền (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định). Tháng 9/1954, tôi trở về Hà Nội và nhận được giấy thông báo trúng tuyển vào Trường Đại học Văn khoa Hà Nội. Lúc đó cả Hà Nội chỉ có 3 trường đại học, với tổng số khoảng 500 sinh viên. Không khí học tập trong các trường đại học rất nghiêm túc, liên tục các tin chiến thắng trở về khiến thế hệ trẻ chúng tôi càng có thêm động lực học tập, để cống hiến và xây dựng đất nước”.
Tinh thần học tập hăng say
GS Phạm Minh Hạc cho biết, ông may mắn được học các thầy giáo giỏi và các giáo sư nổi tiếng như: GS Đặng Thai Mai - nguyên Bộ trưởng Giáo dục; GS Trần Văn Giàu - nguyên Bí thư xứ ủy Nam kỳ và GS Nguyễn Mạnh Tường, GS Hoàng Xuân Nhị cùng nhiều thầy cô giáo giỏi khác. Trường ĐH lúc đó rất “mở” nên những giờ lên lớp hoàn toàn tự do, thậm chí có cả những người không phải là SV cũng đến dự để được lắng nghe các GS thuyết giảng.
Đó chính là tinh thần ham học hỏi về khoa học, công nghệ của người dân Việt Nam. Mọi người mong muốn mình có kiến thức để dựng xây đất nước. Những giờ lên lớp của các GS nổi tiếng lúc nào cũng đông, mọi người ai cũng chăm chú lắng nghe và ghi chép đầy đủ.
“Năm 1954 tôi là sinh viên năm thứ nhất. Thời kỳ đó, sinh viên năm thứ nhất và thứ hai đã có thể là những diễn giả nói chuyện về văn học, khoa học tại đại giảng đường Trường Đại học Văn Khoa ở phố Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vì thế không khí học tập rất sôi nổi, mọi người đều hăng say thi đua dạy tốt, học tốt. Ai cũng có suy nghĩ: Hòa bình rồi nên phải lao động và học tập để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Do vậy, ai nấy đều học tập một cách hăng say và lao động không biết mệt mỏi. Mọi người giúp đỡ nhau tận tình, không ai nề hà việc gì, kể cả trong học tập cũng như trong cuộc sống” - GS Phạm Minh Hạc kể lại.
Cũng theo GS Phạm Minh Hạc, trong chiến tranh, các trường hầu như không có thư viện, nếu có thì rất nhỏ. Một số thư viện chưa đến 100 đầu sách. Thế nhưng khi Thủ đô được giải phóng, các thư viện đã được bổ sung nhiều đầu sách. Các trường ĐH cũng bắt đầu được quan tâm và đầu tư đến thư viện.
GS Phạm Minh Hạc nhắn nhủ: Sau 65 năm trôi qua, lớp lớp các thế hệ nhà giáo và HSSV của Thủ đô Hà Nội vẫn luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy - học, trở thành “Cánh chim đầu đàn” của cả nước trong phong trào dạy tốt, học tốt.