Cần có chính sách giáo dục thường xuyên
GS.TS. Phạm Tất Dong – phân tích: Hệ thống giáo dục ban đầu đào tạo thế hệ trẻ thành lực lượng lao động cho tương lai mà ta gọi là nguồn nhân lực. Lực lượng tương lai này là sự trông đợi của chúng ta.
“Nhưng, với người lớn – nhân lực tại chỗ - có là lực lượng đầy đủ năng lực sáng tạo để đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, bảo vệ đất nước tốt hay không … sẽ tùy thuộc vào việc tổ chức và đầu tư cho giáo dục tiếp tục.
Không học tập thì hàng triệu lao động hiện nay sẽ lạc hậu về trình độ công nghệ và sẽ không tiếp cận được những thành quả quan trọng của kinh tế tri thức, sẽ đứng ngoài ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ thiếu năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới…” - GS.TS. Phạm Tất Dong nêu vấn đề.
GS.TS. Phạm Tất Dong – cho rằng, Nhà nước đang đầu tư quá hạn chế cho việc nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, hệ quả tất yếu là lao động của chúng ta thua xa lao động nước ngoài về năng suất làm việc, về năng lực làm chủ công nghệ cao, kỹ thuật mới và rất khó khăn để vượt qua giới hạn của sự nghèo đa chiều.
Với tư cách là ủy viên của Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, GS.TS. Phạm Tất Dong – kiến nghị: Nhất thiết trong Điều 44 phải có mệnh đề: Nhà nước phải có chính sách giáo dục thường xuyên để thúc đẩy việc học tập của người lớn, xây dựng xã hội học tập.
Theo GS.TS. Phạm Tất Dong, phải nói đến học tập của người lớn thì mới kéo theo chính sách phát triển hệ thống giáo dục người lớn. Nếu Quốc hội đồng tình với thế giới về những vấn đề đặt ra trong Hội nghị Quốc tế về giáo dục người lớn thì đề nghị nên dùng thuật ngữ giáo dục người lớn trong Luật Giáo dục của chúng ta.
GS.TS. Phạm Tất Dong: Có nghề là có thu nhập và có nghề ít có nguy cơ mù chữ trở lại. |
Dạy nghề cho người lớn…
Cũng theo GS.TS. Phạm Tất Dong, trong Điều 45, nên đề cập tới những vấn đề mà Chính phủ ta đang có đề án lớn: Dạy nghề cho người lớn và dạy nghề cho lao động nông thôn. Với nông dân và lao động nông thôn, nhất thiết phải dạy nghề có thời gian lao động dưới 3 tháng. Có nghề là có thu nhập và có nghề ít có nguy cơ mù chữ trở lại.
Vì thế cần nhấn mạnh và bổ sung những kỹ năng cần thiết và tối thiểu trong cuộc sống, trong lao động nghề nghiệp.
GS.TS. Phạm Tất Dong – cho biết: Ý nghĩa này xuất phát từ Tư tưởng xóa mù chữ trực dụng (hay mù chữ hành dụng) của Thế giới. Hiện nay, nhiều quốc gia đã hoàn thành tới việc phổ cập giáo dục phổ thông, những công chức, viên chức, cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo luôn rơi vào tình trạng thiếu kỹ năng để làm tốt công việc họ đang phụ trách và do đó, họ không đáp ứng yêu cầu lao động nghề nghiệp. Mù những kỹ năng cần thiết chính là mù chữ trực dụng.
“Dù dạy nghề nào thì cũng phải bắt đầu bằng hướng nghiệp để người lớn nhận thức được xã hội đang cần nghề gì và phải giáo dục tinh thần khởi nghiệp. Dạy nghề có thời gian ngắn cần đi đôi với việc giúp người học biết tạo ra việc làm mới và làm ra sản phẩm của riêng mình, sản phẩm có chỗ đứng (là có thương hiệu).
Việc làm nhỏ sẽ ứng với “doanh nghiệp siêu nhỏ”: bán bún riêu, phở bò, cà phê, giải khát, cắt tóc, gội đầu, v.v... theo tinh thần khởi nghiệp – tức là sáng tạo trong công việc – đều trở thành những người có chỗ đứng trên thị trường. Khởi nghiệp tốt thì sẽ giảm bớt số người ăn lương nhà nước, sống bằng biên chế nhà nước”- GS.TS. Phạm Tất Dong nhấn mạnh
"Cần nhấn mạnh tự học, học trên sách báo, trên ti vi, trên máy tính bảng, trên điện thoại di động, tức là học không có sự mặt đối mặt “Giáo viên – học viên”. Ti vi, máy tính, điện thoại di động là thầy giáo đa năng nhất.
Ngay từ bây giờ, Luật Giáo dục cần thúc đẩy việc học tập tại nơi làm việc, học tập vì công việc và học tập tại nhà trên cơ sở khuyến khích, hỗ trợ việc tự học của người lớn.
Cần khẳng định lại vị trí của Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn xã, phường, thị trấn, chấm dứt những việc làm vi phạm Luật giáo dục hiện hành như xóa sổ Trung tâm học tập cộng đồng bằng cách sáp nhập nó với Trung tâm văn hóa – thể thao" - GS.TS. Phạm Tất Dong.