Đề xuất các chỉ số phát triển giáo dục mầm non

Đề xuất các chỉ số phát triển giáo dục mầm non

Phiên họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức và là Phiên họp thứ nhất năm 2020 của Tiểu ban Giáo dục mầm non thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.

Tại phiên làm việc, các đại biểu thống nhất: Mục tiêu phát triển GDMN giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 là củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. 

Đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng GDMN trong khu vực và quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp 1; hướng đến phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030.

Đề xuất chỉ số phát triển giáo dục mầm non, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) nêu lên 7 chỉ số, gồm: 

Tỷ lệ huy động trẻ em mầm non đến trường; Số giáo viên bình quân một nhóm/lớp (nhà trẻ, mẫu giáo); Tỷ lệ giáo viên mầm non có bằng cao đẳng sư phạm trở lên; Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục mầm non; Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; Tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng. 

Đây cũng là nội dung được các đại biểu, nhà khoa học thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tại phiên làm việc.

Phát biểu tại phiên làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận: Các ý kiến thảo luận, tham góp đều hướng đến chiến lược phát triển GDMN. Đây là dịp để chúng ta đưa thực tiễn vào xây dựng chính sách, để chính sách đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng cho rằng, chúng ta cần thực hiện tốt 7 chỉ số phát triển giáo dục mầm non. 

Đối với chỉ số: Tỷ lệ huy động trẻ em mầm non đến trường (thuộc nhóm chỉ tiêu/chỉ số về tiếp cận giáo dục), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi: 

Đây chính là thể hiện sự công bằng trong giáo dục. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT có nêu: Chuyển từ quy mô, sang chú trọng phát triển chất lượng. 

Do đó, việc vận động học sinh đến lớp chính là vấn đề phổ cập, nhưng để học sinh được học có chất lượng thì phải quan tâm chú trọng hơn nữa. Chúng ta thống nhất, định hướng đến năm 2030 phổ cập mẫu giáo; còn lộ trình thực hiện tùy thuộc vào điều kiện thực tế.

Về chỉ số giáo viên bình quân một nhóm/lớp, Thứ trưởng chia sẻ: Hiện nay, đã có quy định về tỷ lệ giáo viên/lớp và tỷ lệ học sinh/lớp. Từ hai tỷ lệ này sẽ suy ra tỷ lệ giáo viên/học sinh hoặc ngược lại. Chúng ta cũng thống nhất quy định về tỷ lệ tối đa học sinh/lớp.

Về chỉ số bằng cấp đối với giáo viên mầm non, Luật Giáo dục 2019 quy định: Giáo viên mầm non có bằng cao đẳng sư phạm trở lên và có lộ trình thực hiện đến năm 2030. Chiến lược phát triển giáo viên mầm non cần theo hướng nâng chuẩn bằng cấp và chuẩn nghề nghiệp.

Thứ trưởng cũng tán thành với đề xuất các chỉ số: Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục mầm non; Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; Tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng.

Thứ trưởng lưu ý, cần quan tâm đến chương trình giáo dục, mục tiêu giáo dục và cách đánh giá học sinh. Mục tiêu cuối cùng là phải đánh giá được học sinh hoàn thiện chương trình. 

Riêng về chỉ số dinh dưỡng, Thứ trưởng nhấn mạnh: Đây là chỉ số quan trọng, không thể thiếu đối với GDMN, nên cần được đưa vào chiến lược phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...