GS.NGND Hoàng Như Mai: Một đời vì giáo dục

GS.NGND Hoàng Như Mai: Một đời vì giáo dục

(GD&TĐ) - Dân gian nói về chuyện vợ chồng có câu: “Một duyên, hai nợ, ba tình”. Cho đến lúc vĩnh viễn giã từ cuộc đời, GS.NGND Hoàng Như Mai đã có trên 70 năm làm việc trong ngành GD&ĐT. Có lần, trao đổi với chúng tôi, GS tự nhận câu nói trên có lẽ đúng với ông. Câu chuyện của GS đến và gắn bó cả đời với sự nghiệp giáo dục bắt đầu thì… duyên nợ nhưng lại trường thọ bởi một chữ tình.

Giáo dục: Duyên, nợ…

GS
GS-NGND Hoàng Như Mai

    Năm 1943, vì quá ham đọc sách, lại ăn ngủ thất thường, GS Hoàng Như Mai lâm trọng bệnh phải rời Hà Nội về ở với mẹ ở vùng núi Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) để dưỡng bệnh.

Bấy giờ, một trường trung học tư thục ở tỉnh có tên Đông Hải đang thiếu giáo viên. Vậy là một thầy giáo của trường vốn là bạn của GS đến năn nỉ nhờ ông dạy học giúp.

GS cho biết: “Trước nay tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi làm thầy giáo. Mấy anh tôi là thầy giáo, cuộc sống rất vất vả và buồn tẻ; còn tôi, đang tuổi thanh niên hiếu thắng, hiếu danh, muốn làm công việc to tát, danh vọng.

Nhưng anh bạn năn nỉ mãi vì sắp khai giảng rồi mà thiếu thầy, học sinh sẽ bỏ sang trường khác mất nên tôi đành nhận lời giúp với điều kiện là chỉ vài tuần thôi, có thầy khác thay, tôi sẽ nghỉ.

Sau vài tuần, không ai thay, tôi không đi được. Rồi trong quá trình dạy học, học sinh mến tôi, tôi cũng mến họ, không nỡ chia tay…”. 

Dạy ở trường Đông Hải một năm thì năm sau, vừa hết học kỳ 1, xảy ra Nhật đảo chính Pháp. Do tình hình bất ổn, trường giải tán cho học sinh về với gia đình. Thế là GS tự nhiên chia tay với giáo dục.

Cách mạng tháng Tám thành công, GS đi làm báo, hoạt động văn hóa, viết sách, đúng như ý nguyện của mình. Ông cũng đã… quên đi nghề làm thầy.

Nhưng cái duyên, cái nợ với giáo dục thì không dứt. Đầu năm 1946, GS gia nhập đoàn quân vào Nam chiến đấu giành lại Nam bộ, rồi sau đó hoạt động trong một đoàn kịch. Khi đoàn kịch của GS sang Thái Bình thì nơi đây tỉnh lại có chủ trương lập một trường tư thục, mời các văn nghệ sĩ đến tham gia giảng dạy và muốn tìm người làm hiệu trưởng.

Vậy là GS được tuyển, mặc dù không dự tuyển. Các đồng chí ở Tỉnh ủy nói “mượn” GS ít lâu rồi tìm hiệu trưởng đích thực. Ai ngờ, sự mượn ấy kéo dài mãi cho đến nay: GS mất “hộ khẩu văn nghệ”, nhập “hộ khẩu giáo dục”.

Giữ nhiệm vụ hiệu trưởng trường Phan Thanh (Thái Bình) đến đầu 1950, GS được chuyển lên Bộ Quốc gia Giáo dục, rồi được điều qua làm Hiệu trưởng Trường Sư Phạm Việt bắc, làm Hiệu trưởng trường Sư phạm Trung cấp Khoa học xã hội (Khu học xá Trung Quốc), dạy văn ở ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Tổng hợp TPHCM.

Năm 1990, GS nghỉ hưu, chỉ thỉnh thoảng đến dạy vài chuyên đề ở một số trường ĐH với tư cách GS thỉnh giảng. Cứ ngỡ rằng như vậy, với giáo dục đã trọn vẹn nghĩa tình, từ nay vui thú điền viên, lão giả an chi. Nhưng đến năm 1997, GS được mời làm hiệu  trưởng cho một trường dân lập chuẩn bị thành lập, ấy là trường Trương Vĩnh Ký (TPHCM).

Mãi mãi trong trái tim học trò

Trên 70 năm dạy học, khó có thể tính được có bao nhiêu học trò đã lớn lên từ lời giảng của GD.NGND Hoàng Như Mai. PGS Trần Hữu Tá - Học trò cũ - nhận xét: “Một người thầy giỏi, trò nhớ lâu. Nhưng rồi theo thời gian, nỗi nhớ đó cũng phôi pha. Nhưng nếu thầy giỏi mà có nhân cách lớn, trò sẽ nhớ mãi mãi… GS Hoàng Như Mai là người thầy có được nỗi nhớ mãi mãi của học trò”.

Cảm nhận cái tình của học trò dành cho mình, GS ngày càng thấy hạnh phúc với nghề dạy học. Trong một lần kể chuyện về duyên tình cùng giáo dục, GS Hoàng Như Mai cho biết có lần ông ra Hà Nội công tác, đang đi lang thang trên đường (vì vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán), chợt có một chiếc xe ô tô ghé đến sát bên ông và hãm thắng.

Tưởng mình lấn đường, GS đã sẵn sang lời xin lỗi thì ở trên xe, một ông bước xuống: “Thầy đi đâu mà đi bộ thế?”. Thì ra, đó là trò cũ, bấy giờ đang làm một chức vụ quan trọng ở T.Ư. Anh vẫy lái xe nhờ đưa thầy học cũ đi đến nơi thầy cần đến, còn bản thân ông, đi bộ về nhà.

Lần khác, GS đi dạy về, tạt ngang chợ Cũ ở đường Hàm Nghi mua tí thịt bò về làm cơm. GS đang ngơ ngác giữa chợ thì có người nói to sau lưng: “Thầy, thầy đi đâu mà vất vả thế?”. Nghe thầy nói đi mua chút thịt, người học trò cũ tự xưng quản lí chợ, đưa thầy đến một hàng rồi mua hẳn ký thịt ngon biếu thầy. Thầy cảm ơn quay đi, lại nghe tiếng anh học trò chạy vội theo, nhiệt tình gửi vào tay thầy vài lon nước ngọt thầy uống cho đỡ mệt. 

Bản thân tôi có lần dự ngày mừng thượng thọ của thầy ở trường Trương Vĩnh Ký. Học trò thầy ngồi kín hội trường, đầu xanh chen đầu bạc. Năm đó, cảm động lắm, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi từ Hà Nội vào, cứ ôm lấy thầy, khóc nghẹn ngào như đứa trẻ và kể kỷ niệm xưa: “Thầy như cha tôi”…

Không phải ai cũng dễ dàng có được tình trò đầy ăm ắp, muôn năm đó. GS.NGND Hoàng Như Mai từng tự hào: Chỉ có nghể dạy học mới có được những tình cảm như thế… Thầy giờ đã ra đi nhưng cái tình, cái nghĩa của một chân cách lớn, một người thầy lớn vẫn còn lại. Bao thế hệ học trò hôm nay của thầy đều chung  một lời vinh dự: Tôi đã may mắn được học với thầy… Vĩnh biệt thầy kính yêu!

Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện 175 TPHCM, GS.NGND Hoàng Như Mai đã qua đời lúc 15 giờ 20 ngày 27/9/2013 tại TPHCM, hưởng thọ 95 tuổi.

GS.NGND Hoàng Như Mai sinh ngày 6/8/1920 tại phủ Lạng Thương, nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Quê quán tại thôn Nội Am (Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội). Thầy xuất thân trong một gia đình trí thức quý tộc quan lại cao cấp.

Trải qua biết bao biến động dữ dội, thầy vẫn gắn bó với nghề giáo cả một đời người. Năm 1982, thầy được phong học hàm GS. Năm 1988 thầy được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Năm 1990, thầy được phong danh hiệu NGND và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì năm 1961, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất năm 1985, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1995, huy chương Vì sự nghiệp giáo dục và nhiều huy chương và bằng khen khác.

Gia Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử dễ, cầm quyền khó

GD&TĐ - Những nghi lễ nhậm chức trang trọng không còn lạ lẫm với ông Vladimir Putin khi chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5 ở nước Nga.