GS. Trần Thanh Vân: luôn cố gắng hết sức cho GD-ĐT Việt Nam

GS. Trần Thanh Vân: luôn cố gắng hết sức cho GD-ĐT Việt Nam

(GD&TĐ) - Chiều nay 5/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có buổi làm việc với gia đình Giáo sư Trần Thanh Vân.

Hai vợ chồng giáo sư đều đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn đau đáu tình cảm với quê hương đất nước. Giáo sư Vân cho biết: Với tấm lòng luôn hướng về tổ quốc, ngày nào còn có sức khỏe, còn làm được gì thì giáo sư luôn cố gắng hết sức.

GS Trần Thanh Vân và vợ là Tiến sĩ khoa học Lê Trần Thanh Kim Ngọc đang thực hiện việc giúp đỡ các em sinh viên học giỏi ở Quảng Bình và Huế sang du học tại Pháp với sự bảo trợ của trường đại học Pháp. Ba năm qua mỗi năm đã có 02 em sang học, năm nay sẽ có 10 sinh viên sẽ được trường đại học đối tác Pháp tiếp nhận, theo hình thức đào tạo 2 năm tại Việt Nam và chuyển tiếp học tại Pháp.

GS Trần Thanh Vân cũng thông báo về việc đang triển khai xây dựng một trung tâm nghiên cứu khoa học tại Tp. Quy Nhơn,  ngày khởi công 16/12 sẽ có 02 nhà khoa học được giải Noben sang dự. Trung tâm sẽ là nơi hoạt động, giao lưu khoa học không chỉ cho riêng ngành Vật lý mà sẽ là trung tâm khoa học đa ngành. Giáo sư Trần Thanh Vân cũng bày tỏ mong muốn cùng với sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT sẽ có thêm nhiều sinh viên thuộc diện này được sang Pháp du học.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga mong muốn GS Trần Thanh Vân mời các nhà khoa học lớn về giao lưu tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga mong muốn GS Trần Thanh Vân tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ hoạt động giáo dục VN

Bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới GS Trần Thanh Vân và gia đình đã có nhiều đóng góp cho khoa học và giáo dục Việt Nam. Đánh giá cao những cố gắng mà vợ chồng Giáo sư Vân đang làm trong việc đưa các sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề xuất, Bộ GD&ĐT đang có chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tiếng Pháp, đối tác là các đại học uy tín của Pháp, 2 năm đầu các sinh viên đó học tiếng Pháp tại Việt Nam và chương trình đào tạo do phía Pháp cung cấp. Giáo sư Vân cũng có thể chọn lựa trong số sinh viên này gửi sang Pháp.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng mong muốn với các quan hệ của GS Trần Thanh Vân, giáo sư mời các nhà khoa học lớn, những nhà khoa học được giải Noben về giao lưu tại Việt Nam.

Sinh ra ở Đồng Hới, Quảng Bình, cha mẹ mất sớm từ nhỏ Trần Thanh Vân đã tự ý thức rằng chỉ có bằng chính ý chí tự lực của mình mới có thể vươn lên bằng người. Với tấm lòng say mê nghiên cứu khoa học, lại thêm được tiếp xúc với những người thầy tài giỏi, nhiệt tình, đã khiến Trần Thanh Vân sớm trưởng thành trong học thuật. Và ông đã không ngừng đạt được những thành công trong ngành vật lý hạt cơ bản, với kiến thức uyên bác của mình, ông đã tham gia giảng dạy tại Đại học Paris, là nghiên cứu viên cao cấp danh dự của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, được Viện Hàn lâm Nga bầu làm Viện sĩ. Cho đến khi về hưu, ông vẫn tiếp tục tìm hiểu về vật lý hạt nhân với trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách mang tên ông.

Học bổng Odon Vallet được trao học bổng cho các em học sinh giỏi
Học bổng Odon Vallet được trao học bổng cho các em học sinh giỏi

Báo chí Pháp ca ngợi ông là một nhà khoa học có nhiều đóng góp cho giới vật lý thế giới, đặc biệt là những hội nghị quốc tế. Ông là người khởi xướng và tổ chức các cuộc hội thảo với hình thức đối thoại mới trong đó có văn hóa, thể thao hòa với những trao đổi khoa học mang tính nghiêm túc. Từ sự kiện Hội thảo quốc tế mang tên “Gặp gỡ Moriond” được tổ chức vào năm 1966, và đến năm 1989 là “Gặp gỡ Blois” được tổ chức trên đất Pháp, thì liên tục từ năm 1993 đến nay, các hội thảo quốc tế của giới vật lý trên thế giới được mang tên Rencontres du Viet Nam - Gặp gỡ Việt Nam. GS Trần Thanh Vân đã không chỉ là người kết nối các nhà khoa học thế giới với nhau mà ông cũng là người "bắc chiếc cầu" cho các nhà khoa học Việt Nam có dịp giao lưu, học tập kinh nghiệm từ các nhà khoa học hàng đầu quốc tế.

Từ nhỏ, gặp nhiều khó khăn, phải sống trong nghèo khổ, hiểu được những khó khăn mà các em học sinh sinh viên Việt Nam đang gặp phải, ông đã dành nhiều quan tâm cho những hoạt động xã hội vì trẻ em Việt Nam. Từ những năm 70, hai vợ chồng ông đã đưa ra sáng kiến vận động Chính phủ, các tổ chức từ thiện, nhân đạo Pháp và nhiều nước trên thế giới thành lập và phát triển hệ thống “làng trẻ em Việt Nam SOS” để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam (aide à l’ enfance Việt Nam- AEVN) do ông bà thành lập đã được công nhận là thành viên của Hiệp hội quốc tế các làng trẻ em SOS. Năm 1970, Hội đã quyên tiền xây dựng làng SOS tại Đà Lạt với kinh phí xây dựng 1 triệu USD và đến nay đã có 10 Làng SOS được xây dựng tại Việt Nam. Ông cũng thuyết phục GS Ordon Vallet, GS Triết học và lịch sử trường Đại học Sorbornne thành lập Quỹ học bổng Vallet để tặng cho những sinh viên và học sinh trung học có thành tích xuất sắc ở Việt Nam với hàng chục nghìn xuất học bổng tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.

GS Odon Vallet (Đại học Sorbonne – Paris) và GS Trần Thanh Vân trao học bổng Odon Vallet lần thứ 10
GS Odon Vallet (Đại học Sorbonne – Paris) và GS Trần Thanh Vân trao học bổng Odon Vallet lần thứ 10

Ghi nhận những đóng góp của ông cho đất nước, GS.TSKH Trần Thanh Vân đã Được trao tặng danh hiệu Vinh danh nước Việt 2004. Những việc làm của GS Trần Thanh Vân, dù là trong tư cách một nhà khoa học, một nhà giáo dục hay một nhà hoạt động xã hội, tất cả đều nói lên một tấm lòng cao quý, một nhân cách lớn mang đầy tinh thần nhân văn. Vợ ông, Tiến sĩ khoa học Lê Trần Thanh Kim Ngọc cũng được xem là “bậc thầy của các nhà nghiên cứu về thực vật học”. Cả hai ông bà đều là những nhà khoa học có tên tuổi với một tấm lòng luôn hướng về đất nước.

Yên Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ