Ngôi trường mang tên người... đang sống!

GD&TĐ - Nhắc đến Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn không thể không nhắc tới con đường tự học gần như theo ông suốt cuộc đời với tình yêu khoa học lớn lao. 

Ngôi trường mang tên người... đang sống!
Ngôi trường mang tên người... đang sống! ảnh 1Ngôi trường mang tên người... đang sống! ảnh 2Ngôi trường mang tên người... đang sống! ảnh 3Ngôi trường mang tên người... đang sống! ảnh 4Ngôi trường mang tên người... đang sống! ảnh 5
Có lẽ vì ý chí phi thường vươn lên trong học tập để trở thành một “thiên tài lỗi lạc thế kỷ 21” do Viện Tiểu sử Mỹ phong tặng, mà tên ông đã trở thành tên một ngôi trường tại Yên Châu (Sơn La) Trường THCS Nguyễn Cảnh Toàn. 

Đây cũng là ngôi trường duy nhất của Việt Nam mang tên một người đang còn sống!

Tấm gương về tinh thần tự học suốt đời!

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn sinh năm 1926 ở Đô Lương (Nghệ An). Ông là một Giáo sư Toán học Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1976-1989), nay là Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam và Tổng biên tập tạp chí Toán học và Tuổi trẻ trong hơn 40 năm. Ông được đánh giá là một tấm gương tự học thành tài và có công lao trong việc đào tạo và xây dựng đội ngũ những giáo viên toán.

Cha ông là một nhà nho nhưng cha chỉ dạy được cho ông đến lớp ba, sau đó cha đưa ông ra trường ngoài để ông được học tiếng Pháp. Từ bé, ông đã nổi tiếng là cậu bé thông minh, hiếu học và một khả năng khám phá thế giới lạ kỳ…

Năm 1938, ông học xong tiểu học rồi thi vào Trường Quốc học Vinh. Năm 1942 ông thi đỗ Cao đẳng tiểu học, rồi đỗ vào Trường Quốc học Huế, học ban tú tài.

Nhờ "nhảy lớp" từ năm thứ nhất tú tài lên thẳng năm thứ ba tú tài chuyên toán, nên năm 1944, ông đỗ tú tài toàn phần và thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học (Hà Nội) để học chứng chỉ toán học đại cương.

Năm 1947, ông được tuyển làm giáo viên toán ở trình độ cao nhất của Trường Quốc học Huế. Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là "cha đẻ của hình học siêu phi Ơclit". Ông được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Trung tâm tiểu sử quốc tế tặng ông bằng danh dự Rạng rỡ để ghi nhận những thành tựu nổi bật của ông về toán học và giáo dục trong hơn nửa thế kỷ XX, đồng thời đưa tên ông vào quyển từ điển danh nhân 500 người hàng đầu.

Ông là Viện sỹ sáng lập của Viện Hàn lâm Ngoại giao Luân Đôn. Tháng 1/2001, ông là một trong 114 người được Viện Tiểu sử Mỹ cấp bằng "Những trí tuệ lớn nhất của thế kỷ XXI", đồng thời phong tặng ông danh hiệu "Thiên tài lỗi lạc thế kỷ XXI"...

Cho đến giờ, khi mắt đã mờ, chân tay đã yếu đi bởi tuổi già, xương khớp cũng không còn khỏe nhưng mỗi khi nói đến giáo dục, ông đều hào hứng như kể lại những kỉ niệm vui buồn theo ông cuộc đời không biết chán.

Mới đây, ông và gia đình cũng từ Hà Nội đi hàng trăm kilomet để lên tận Sơn La, thăm ngôi trường mang tên ông và chủ yếu là để xem thầy và trò nhà trường đã chuẩn bị khai giảng năm học mới thế nào,

Vượt khó đạt chuẩn Quốc gia!

Trường THCS Nguyễn Cảnh Toàn được thành lập theo quyết định số 538/QĐ – UBND ngày 15/6/2005 của UBND huyện Yên Châu, với mục tiêu đào tạo bồi dưỡng chất lượng học sinh khá giỏi cho toàn huyện. Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác xây dựng cơ sở vật chất.

Những ngày đầu trường mới thành lập, cô và trò nhà trường đều gặp không ít khó khăn như cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đồng bộ, đội ngũ giáo viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm trong giáo dục toàn diện học sinh, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc quan tâm tới giáo dục của con cái chưa sát sao,…

Thế nhưng, học tập tinh thần tự học và sáng tạo của Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, thầy trò nhà trường đã cùng nhau phấn đấu vươn lên để xứng đáng với “cha đẻ của hình học siêu phi Ơclit”.

Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của trường - cho biết: Chúng tôi tự hào được học tập và làm việc trong ngôi trường mang tên một Giáo sư lỗi lạc, một người tâm huyết với Giáo dục nước nhà và tấm gương tự học suốt đời cho thế hệ trẻ noi theo.

Để xứng đáng với người thầy Nguyễn Cảnh Toàn, giáo viên và học sinh trong toàn nhà trường đã phấn đấu vượt qua những khó khăn ban đầu để đạt được những kết quả tốt nhất…”

Hiện, ông Chiến đã chuyển công tác nhưng từng bước phát triển về Giáo dục của các trường trong địa phương, ông đều quan tâm sát sao, đặc biệt là với ngôi trường “đặc biệt” này.

Qua nhiều thử thách, trường đã được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia năm 2012, nhiều năm liền có số học sinh giỏi đứng top đầu trong huyện, giáo viên trong trường là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh chiếm số lượng lớn…

Thầy Lê Xuân Hiền – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Cảnh Toàn – cho biết: Để giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia, chúng tôi đã cố gắng từng ngày trong chất lượng dạy và học, trang bị cơ sở vật chất cho học sinh.

Hiện nay, học sinh trong trường đã được học tập và thực hành công nghệ thông tin trên máy tính, có thư viện với só lượng đầu sách phong phú và cả thư viện ngoài trời, có phòng LAB để giảng dạy tiếng Anh,…Tất cả những nỗ lực đó, chúng tôi sẽ còn phát huy nhiều hơn trong năm học mới để đạt được kết quả cao nhất.

Tuy nhiên, với điều kiện miền núi còn nhiều khó khăn, thầy Hiền cũng mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, chính quyền để có được điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

Trong không khí vui mừng của thầy trò, nhà trường đã chuẩn bị lễ khai giảng cho học sinh để các em bước vào năm học mới vui tươi, phấn chấn và gặt hái nhiều kết quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ