GS Lâm Quang Thiệp: Chỉ nên cấp một loại văn bằng

GD&TĐ - Liên quan đến đề xuất bỏ quy định phân biệt bằng không chính quy và chính quy, GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) - cho rằng: Bất kể một ngành đào tạo nào cũng chỉ nên cấp một loại văn bằng, đó cũng là xu hướng chung của thế giới.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo GS Lâm Quang Thiệp, một hệ thống giáo dục hiện đại không nên phân biệt chất lượng các loại hình đào tạo, vì chuẩn chất lượng thì chỉ có một! Tuy nhiên, thực tế thì việc cấp bằng hệ không chính quy ở nước ta còn quá dễ dãi.

“Lâu nay, chất lượng đào tạo hệ không chính quy ở nước ta kém hơn nên xã hội muốn ghi rõ trên các văn bằng về loại hình đào tạo để dễ phân biệt. Mọi người đều ngầm hiểu, bằng không chính quy có chất lượng kém hơn bằng chính quy. Cho nên khi tuyển dụng cũng sẽ có phân biệt” - GS Lâm Quang Thiệp bày tỏ.

Quan điểm của GS Lâm Quang Thiệp – cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT muốn đi theo hướng chỉ cấp một loại bằng thì không phải cứ đưa ra quy định là được. Chúng ta cần phải có một lộ trình để đảm bảo chất lượng đào tạo hệ không chính quy. Nhiều nước đã làm được việc này nhưng Việt Nam chưa làm được.

Một trong những nguyên nhân là công tác quản lý hệ không chính quy còn rất yếu kém. Xu hướng các trường mở hệ này để tăng thêm thu nhập nên thường rất dễ dãi để họ tuyển sinh được nhiều.

Dễ dãi từ đầu vào, giảng dạy, đánh giá, cấp bằng, và thời gian học cũng ngắn. Làm như thế thì chất lượng không bao giờ đảm bảo được. Yêu cầu đặt ra cần có một hệ thống quản lý chất lượng của nhà nước thật tốt.

GS Lâm Quang Thiệp - chia sẻ, theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, đơn cử như: Trung Quốc, họ có cách quản lý đào tạo hệ không chính quy hay đại học tư chưa được kiểm định chất lượng. Trung Quốc có khoảng 1.200 đại học tư, nhưng chỉ có 200 trường được phép cấp bằng ở mức cao đẳng.

Nhà nước giao cho Đại học mở Trung Quốc xây dựng hệ thống đánh giá chuẩn. Mỗi năm trường này tổ chức nhiều kì thi các môn học đại học để sinh viên các trường không được phép cấp bằng dự thi. Khi sinh viên tích luỹ đủ môn của một chương trình đại học thì được Đại học mở đó cấp bằng. Bằng này sẽ không phân biệt hệ nào, trường công hay tư bởi chuẩn kiến thức, quy định đánh giá là như nhau.

“Với việc quản lý chất lượng như hiện nay mà cấp một loại bằng thì xã hội sẽ không chấp nhận. Đó là sự không công bằng đối với hệ chính quy - GS Lâm Quang Thiệp nêu quan điểm.

Trước ý kiến cho rằng, hãy cứ để các trường thoải mái cấp bằng còn sẽ siết chặt trong tuyển dụng, bổ nhiệm, GS Lâm Quang Thiệp - cho rằng, bất cứ đơn vị nào cũng có thể đưa ra những quy định riêng để chọn người, nhưng phải có một giấy thông hành đảm bảo chất lượng, đó là bằng đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ